Ổn định cuộc sống từ nuôi gà lôi

16/04/2019 - 20:31

 - Tuổi đã cao, sức khỏe yếu, ông Trần Văn Ngữ (ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tà Đảnh, Tri Tôn) chọn mô hình nuôi gà lôi để phát triển kinh tế gia đình. Tuy không thể làm giàu, nhưng mô hình đã giúp ông Ngữ có thêm thu nhập để trang trải sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, giúp ông phát triển thêm các mô hình sản xuất khác như: heo, gà ta…

Gà lôi nuôi bán hoang dã nhẹ công chăm sóc, ít dịch bệnh

Bớt khó khăn nhờ gà lôi

Gia đình ông Trần Văn Ngữ trước đây có 5ha đất ruộng để canh tác, nhưng cuộc sống rất khó khăn. Bởi vùng đất Tà Đảnh là vùng trũng, bị nhiễm phèn khá nặng, nên sản xuất kém hiệu quả. Nhiều năm liền thua lỗ, diện tích đất cứ “mất dần” do ông bán để trả nợ. Không còn canh tác lúa, ông Ngữ chuyển sang nuôi bò. Nhưng, mùi hôi từ chăn nuôi bò ảnh hưởng đến hàng xóm, lại thêm điều kiện gia đình không cho phép nên ông không mặn mà với mô hình chăn nuôi này. Đang loay hoay tìm kiếm vật nuôi thay thế, tình cờ, ông biết được mô hình nuôi gà lôi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau khi tìm hiểu kỹ, nhận thấy đây là mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và sức khỏe bản thân và mang hiệu quả kinh tế cao nên năm 2011, ông Ngữ đến huyện Cai Lậy (Tiền Giang) để mua 4 con gà giống (3 mái, 1 trống) về phát triển mô hình.

Dù chỉ mới thử nghiệm nhưng gà lôi không phụ lòng mong mỏi khi liên tục mang lại thu nhập cho gia đình. Thời gian đầu, ông Ngữ rào lưới cạnh nhà, khi số lượng gà tăng lên, ông phải mượn phần đất vườn của hàng xóm để chăn thả. “Sau những lứa đầu tiên, tôi nhận thấy nuôi gà lôi mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nuôi gà ta. Từ đó, tôi quyết định phát triển mô hình chăn nuôi gà lôi đến hôm nay. Từ khi xây dựng mô hình này, kinh tế gia đình tôi có bước tiến triển. Lợi nhuận mang lại từ việc nuôi gà lôi tạo điều kiện để phát triển các mô hình khác như: nuôi heo, gà ta…” - ông Ngữ thông tin.

Mô hình tiềm năng

Sau 8 năm bám trụ với mô hình nuôi gà lôi, ông Ngữ cho biết, gà lôi có nhiều ưu điểm nổi bật hơn so với gà ta. Theo đó, gà lôi khá dễ nuôi, dễ chăm sóc, thức ăn chủ yếu là cơm nguội trộn cám. Đặc biệt, gà lôi thích ăn cỏ, lục bình, đây là loại thức ăn có sẵn trong tự nhiên nên chi phí khá thấp. Ngoài ra, gà lôi có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh nên không phải lo khi trái gió, trở trời.

Theo ông Ngữ, gà lôi nuôi khoảng 6 tháng có thể xuất bán, trọng lượng mỗi con lúc này đạt từ 4-6kg đối với gà trống. Nếu nuôi 1 năm, gà có thể đạt trọng lượng 8-10kg. Gà mái có thể trọng nhỏ hơn, chỉ khoảng 3-4kg, khoảng 8 tháng tuổi bắt đầu đẻ trứng. Gà lôi mỗi lứa đẻ từ 15-30 quả trứng và ấp nở 28-30 ngày, tỷ lệ nở và nuôi sống cao hơn so với gà ta. Ông Ngữ chia sẻ: “Gà lôi giá bán cao hơn gà ta, khoảng 120.000 đồng/kg. Mỗi con gà sau khi trừ chi phí lãi khoảng 500.000 đồng. Bình quân mỗi năm thu nhập 30 triệu đồng”.

Hiện nay, số lượng gà trong chuồng của gia đình ông Ngữ khoảng 20 con (cả gà con và gà thịt). Lúc cao điểm, số lượng gà lôi 60-70 con. Theo ông Ngữ, mô hình nuôi gà lôi phù hợp với điều kiện chăn nuôi của nhiều hộ dân ở vùng nông thôn có đất rộng, ít tốn công chăm sóc. Tuy nhiên, thị trường đầu ra cho gà lôi ở địa phương còn hạn chế nên chưa thực sự trở thành vật nuôi phổ biến. “Do gà lôi có trọng lượng lớn, giá cao nên rất kén người ăn. Hiện nay, gà lôi chỉ bán được ở một số hộ dân địa phương, phục vụ đám tiệc ở TP. Long Xuyên và TP. Cần Thơ…” - ông Ngữ cho hay.

Ông Ngữ chia sẻ: “Nếu phát triển quy mô chuồng trại khoảng vài trăm con, mỗi lần xuất chuồng từ 50-60 con thì mô hình này hứa hẹn sẽ đem lại thu nhập khá. Hiện nay, nhu cầu đối với loại vật nuôi này là rất lớn nhưng gia đình tôi không đủ số lượng để cung cấp nên chỉ bán quanh quẩn ở địa phương. Thời gian tới, tôi sẽ phát triển mô hình, đồng thời mở rộng diện tích chuồng trại. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn ở đây là nguồn vốn. Do đó, gia đình tôi đang rất cần sự hỗ trợ để phát triển mô hình chăn nuôi giàu tiềm năng này”.

Gà lôi hay còn gọi là gà Tây, có xuất xứ từ Châu Mỹ. Đây là giống gà có thịt chắc, thơm ngon, nhiều nạc, tỷ lệ mỡ thấp, trọng lượng mỗi con có thể đạt trên 10kg, giá bán cao hơn so với gà ta.

 

Bài, ảnh: ĐỨC TOÀN