Máy cày của ông Tư Rô được nhiều người dân làm tôm - lúa vùng ĐBSCL đặt mua.
“Máy cày Tư Rô”
Ông Nguyễn Văn Rô (Tư Rô) 57 tuổi, ở ấp Giá Ngự, xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, sinh ra trong gia đình nông dân. Tuy chỉ học hết lớp 4 nhưng vốn nhạy bén nên ông đã tự mày mò học hỏi để kiếm sống bằng nghề sửa chữa máy móc, rồi sau đó làm Giám đốc HTX chuyên về xây dựng tại địa phương. Sau khi được đi nhiều nơi tại Cà Mau - vùng đất có khoảng 60% người dân gắn bó với nghề nuôi tôm, nghe bà con than phiền việc môi trường ô nhiễm khiến nghề nuôi gặp khó khăn, ông Tư Rô bỏ nghề xây dựng, quyết tâm nghiên cứu chế tạo máy giúp nông dân.
Sau một thời gian mày mò, cuối năm 2014, ông Tư Rô đã chế tạo ra chiếc máy cày đầu tiên dùng để cải tạo đáy ao nuôi tôm công nghiệp. Chiếc máy do ông tạo ra nhỏ hơn rất nhiều so với các loại máy cày phổ thông, tuy nhiên do người nuôi tôm công nghiệp đã quen cải tạo ao bằng hóa chất nên thờ ơ với chiếc máy của ông.
Không nản chí, ông Tư Rô quyết tâm cải biến để chiếc máy phù hợp với vùng đất nuôi tôm quảng canh và tôm - lúa. Do đặc trưng của các mô hình canh tác này là mương nhiều, nền đất yếu nên ông thay động cơ máy dầu thành động cơ xăng để nhẹ hơn. Ông cũng tự tính toán tỷ lệ, chế tạo ra cặp bánh lồng nhỏ, gọn, lắp thêm thùng phuy trong bánh để máy nổi trên mương. “Nhức đầu lắm vì phải tính toán tất cả các chi tiết, lắp vào không được lại phải tháo ra, làm đi làm lại rất nhiều lần. Có những lúc tôi muốn bỏ nhưng nghĩ lại, chỉ mong giúp bà con nên tiếp tục làm” - ông Tư Rô chia sẻ.
Sau nhiều lần lắp vô, tháo ra rồi cân chỉnh, cuối cùng “Máy cày Tư Rô” ra đời chỉ nặng 180kg. Máy có công năng không khác các loại máy cày khác nhưng gọn nhẹ hơn, chạy được trên nền đất yếu, sình lầy và thậm chí “bơi” trên mặt nước. Chiếc máy này bắt đầu phát huy tác dụng khi giúp lật tung bề mặt những mảnh đất tôm - lúa nhằm tạo điều kiện cho ánh nắng làm bốc hơi bớt chất độc, sau đó những cơn mưa nặng hạt rửa mặn giúp bà con có những vụ lúa bội thu.
Tiếp tục sáng chế giúp nhà nông
Từ khi đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cà Mau lần thứ 3 năm 2015-2016, chiếc máy cày Tư Rô bắt đầu được nhiều người chú ý và mua về sử dụng. Qua thực tế vận hành trên đồng rồi những đóng góp của bà con nông dân như: thùng phuy dùng trong bánh quá lớn, cày đất thịt lưỡi bị dính... được ông Tư Rô tiếp nhận để điều chỉnh giúp chiếc máy ngày thêm hoàn thiện. Trong đó, việc ông thiết kế thêm một ụ sắt nhỏ trên lưỡi cày đã cơ bản giải quyết được vấn đề đất dính, chỉnh sửa hộp số của thân máy để dùng động cơ xăng thông dụng nhỏ hơn, thiết kế bánh lồng nhỏ hơn nữa và dùng những can nhựa thay cho các thùng phuy…
Sau khi cải tiến xong, chiếc máy cày Tư Rô chỉ nặng khoảng 100kg, không chỉ người dân Cà Mau mà bà con nông dân vùng làm tôm - lúa của các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang... cũng tìm đến mua. Ông Huỳnh Dũng Tiến ở ấp Bào Tròn, xã Ðông Thới, huyện Cái Nước, cho biết: “Thời gian qua, bà con rất muốn cày xới mặt ruộng lên cải tạo nhưng máy lớn quá, vào vuông tôm bị lún, không làm được. Như nhà tôi, vẫn chỉ tát cạn nước, phơi mặt ruộng để cải tạo nên hiệu quả không cao. Trong khi đó, chiếc máy cày Tư Rô gọn, nhẹ, dễ sử dụng, không tát cạn nước vẫn cày được. Khi mặt ruộng được lật lại, phơi đất thì làm lúa sẽ trúng. Mà lúa trúng thì nuôi tôm cũng trúng”.
Chiếc máy cày được ông Tư Rô đặt tên “Máy cày ước mơ nhà nông”. Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cà Mau lần tứ 6 năm 2018-2019, ông vinh dự đạt giải Nhất; Cục Sở hữu Trí tuệ cũng công nhận “Sản phẩm độc quyền về giải pháp hữu ích” cho sản phẩm máy cày của ông. Những vinh dự này như tiếp thêm động lực để ông thực hiện thêm nhiều công trình giúp nhà nông. Ông Tư Rô cho biết, năm nay ông dự định sẽ sáng chế máy cày giúp người trồng rau màu cải tạo đất dễ dàng hơn. “Máy tạo ra được rồi nhưng còn vấn đề là làm sao đến được tay người dân, bởi đã có nhiều người đặt hàng nhưng tôi chưa đủ tiềm lực kinh tế để đáp ứng” - ông Tư Rô tâm sự.
Theo HIẾU NGHĨA (Báo Cần Thơ)