Nhiều năm gần đây, sự góp mặt của các đội ghe nữ ngày càng đông và thi đấu thật sự hấp dẫn. Ảnh: LÂM THANH
Không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: tạ ơn thiên nhiên ưu đãi một mùa vụ “mưa thuận gió hòa”, no cơm ấm áo mà còn là dịp cho người nông dân thư thả dăm ngày sau những tháng lao động cực nhọc “dãi nắng dầm sương” trên đồng ruộng. Ngoài Tết Chôl Chnăm Thmây, ĐônTa, lễ dâng y cà sa, lễ “xin nước mưa” gắn với tín ngưỡng Phật giáo... còn có nhiều tập tục trong đời sống sinh hoạt không ít nơi còn lưu giữ như: lễ cúng sân lúa, lễ lên nhà mới, lễ đi tu, lễ cắt tóc trả ơn “mụ”, lễ giáp tuổi, lễ dâng phước (cầu siêu cho người thân), lễ dâng bông…
Không biết từ bao giờ, đua ghe ngo đã trở thành một hoạt động hấp dẫn không thể thiếu trong ngày lễ hội Oóc om bóc truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ. Một đoạn sông đông nghịt người đứng ngồi chen lấn hai bên bờ xem mê mải đến tràn cả xuống mép nước. Từng đôi ghe ngo với gần trăm tay chèo lực lưỡng cúi rạp người, những bắp thịt căng vồng lên vung mạnh mái chèo đưa chiếc ghe vượt lên tranh nhau từng thước nước. Tiếng trống, tiếng tu huýt, tiếng phèng la, tiếng loa phóng thanh vang vang, tiếng hò hét, vỗ tay thúc giục… làm vang động cả một khúc sông dài. Loại hình thể thao hấp dẫn ấy vốn bắt nguồn từ một phong tục xa xưa của tín đồ Phật giáo Khmer. Tương truyền, từ thuở xa xưa, chiếc ghe ngo ban đầu vốn là phương tiện trang bị cho dân quân đánh giặc trên vùng sông nước. Mỗi chùa thường có một chiếc và được bảo dưỡng rất cẩn trọng. Hàng năm, cứ vào rằm tháng 10 âm lịch, ghe được treo đèn kết hoa giong tới Angkor Wat để “thỉnh kinh” (?!). Trên đường về, người ta bày ra chuyện đua thử xem ghe nào về trước để mang kinh sách phổ truyền cho dân chúng phum sóc mình. Lâu dần không còn tục lệ này nữa mà dịp đua ghe ngo trong ngày lễ Oóc om bóc để “đưa tiễn và tạ ơn thần nước” đã ưu đãi cho những mùa vụ bội thu vẫn được duy trì nhờ tính đại chúng và cuốn hút của môn thể thao dân tộc đầy hấp dẫn. Hiện nay, không phải ngôi chùa Khmer nào cũng có ghe ngo mà còn tùy theo khả năng dân chúng bổn sóc và tính lịch sử của ngôi chùa. Ghe ngo cổ xưa vốn là một loại thuyền độc mộc làm từ những thân cây gỗ quý lâu năm có vòng thân năm ba người ôm không giáp. Hiện vẫn còn những chiếc ghe ngo hàng trăm tuổi mà thân chính làm bằng gỗ tỳ–ki (cây sao) vẫn chưa suy suyển. Phong trào đua ghe ngo đang có xu hướng phát triển mạnh nhưng không dễ gì tìm được loại cây có tuổi thọ và độ dài thích hợp. Đã có chiếc ghe ngo gần 200 tuổi vẫn đang còn chịu được sóng to gió lớn trong những cuộc thi quốc tế.
Theo một “lục me” (bậc trí giả) ở Phú Tân, trong tiếng Khmer “cái gì ngay thẳng và dài, cong vút đầu lên thì gọi là ngo. Đua ghe ngo không chỉ là một phong tục mà còn thể hiện ý chí đua tranh và khát vọng chiến thắng”. Mỗi chiếc ghe ngo có những biểu tượng khác nhau: có thể là hổ, là sư tử, là cá poon–co, là rồng… và được điêu khắc ở mũi ghe. Dầm (chèo) bơi dài, bản rộng được gọi là chà–rqua, thường được làm bằng gỗ thau lau cho nhẹ. Mỗi đội đua thường có 23 – 34 đôi tay chèo (46 – 68 người) cùng với một người cầm lái, một người điều khiển nhịp bơi bằng phèng la hoặc tu huýt đứng ở giữa ghe và một vị điều khiển chính ngồi ở mũi ghe (thường là một vị chức sắc hoặc người có uy tín trong vùng – quan trọng hơn cả là phải giàu kinh nghiệm điều khiển ghe đua).
Nhiều năm qua, phong trào đua ghe ngo ở Sóc Trăng ngày càng phát triển mạnh và đã có những ghe đạt giải cao ở những giải trong khu vực. Với tính hấp dẫn của môn thể thao dân tộc này, nhiều tỉnh trong nước cũng như trong khu vực ĐBSCL đã đầu tư phát triển cho môn đua ghe ngo. Năm 2006, lần đầu tiên, Đại hội TDTT toàn quốc (lần thứ V) cũng đã đưa môn đua ghe ngo vào chương trình thi đấu chính thức với 4 nội dung (đồng hàng nam 800m, 1.200m; đồng hàng nữ 600m, 1.000m) do Sóc Trăng đăng cai tổ chức trong 2 ngày 29 – 30-4. Nhiều năm qua, đua ghe ngo trong dịp lễ hội Oóc om bóc ở Sóc Trăng luôn là một giải đấu đầy hấp dẫn và cuốn hút đối với du khách trong, ngoài nước. Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng gắn với hội chợ thương mại, triển lãm… không những là sự kiện giới thiệu sản phẩm văn hóa - thể thao truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Khmer Nam bộ, góp phần bảo tồn di sản văn hóa đáng tự hào của quê hương Sóc Trăng mà còn góp phần quan trọng việc quảng bá, khơi dậy tiềm năng, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, đáp ứng xu thế liên kết, liên vùng, hội nhập, mang tính xã hội hóa cao, phù hợp định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng phát triển bền vững của tỉnh.
Theo LÂM THANH (Báo Sóc Trăng)