Phát huy giá trị Vườn Quốc gia U Minh Hạ

10/04/2025 - 09:48

Rừng U Minh Hạ là một trong những khu rừng ngập nước đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có vai trò quan trọng trong bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Quá trình hình thành và phát triển của rừng U Minh Hạ gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng, cũng như những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và Nhân dân trong bảo vệ, phát huy giá trị của khu rừng này.

Lịch sử còn ghi, từ năm 1958, các làng rừng đã được hình thành tại U Minh Hạ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khu rừng này trở thành căn cứ địa quan trọng, nơi che chở cho quân và dân ta. Các xưởng quân giới được thành lập tại đây đã sản xuất hàng tấn vũ khí phục vụ chiến đấu, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Sau khi đất nước thống nhất, việc bảo vệ và phát triển rừng được chính quyền đặc biệt quan tâm. Năm 1983, UBND tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau) đã ban hành Quyết định số 51 quy định các khu vực rừng cấm, trong đó có rừng Vồ Dơi. Ðây được coi là bước đi quan trọng trong việc bảo vệ rừng, nhằm tri ân sự che chở của thiên nhiên đối với Nhân dân trong những năm tháng chiến tranh.

Năm 1992, Bộ Lâm nghiệp thành lập Ban Quản lý rừng đặc dụng Vồ Dơi, theo Quyết định 411. Ðến năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 112, chuyển Ban Quản lý rừng đặc dụng Vồ Dơi thành Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Ngày 7/6/2016, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1024, mở rộng diện tích Vườn Quốc gia U Minh Hạ từ 8.286 ha lên 8.527,8 ha.

Vườn Quốc gia U Minh Hạ hiện có 11 đội quản lý bảo vệ rừng phân bố xung quanh vùng lõi của Vườn.

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng tuần tra, kiểm soát, kết hợp nghiên cứu khoa học.

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng tuần tra, kiểm soát, kết hợp nghiên cứu khoa học.

Với tổng diện tích 8.527,8 ha, Vườn Quốc gia U Minh Hạ được chia thành 3 phân khu chính. Trong đó, Phân khu bảo tồn hệ sinh thái rừng trên đất than bùn (2.593,7 ha) là nơi lưu giữ cảnh quan nguyên sinh của rừng tràm U Minh Hạ. Theo báo cáo năm 2024, khu vực này có trữ lượng đất than bùn lên tới gần 20 triệu m3, đóng vai trò quan trọng trong điều hoà khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học.

Phân khu phục hồi và sử dụng bền vững hệ sinh thái trên đất ngập nước (5.190,5 ha), đây là nơi tái tạo và phục hồi rừng sau sự cố cháy lớn năm 2002. Hằng năm, hàng chục héc-ta rừng được trồng mới, giúp cải tạo môi trường tự nhiên.

Cuối cùng là Phân khu dịch vụ hành chính (743,6 ha), khu vực này bao gồm các công trình phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và du lịch sinh thái.

Vườn Quốc gia U Minh Hạ không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên mà còn là nơi nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Những năm qua, Vườn đã có nhiều hoạt động nhằm bảo vệ đa dạng sinh học và hỗ trợ người dân địa phương phát triển kinh tế.

Về bảo tồn đa dạng sinh học, theo ông Lê Thanh Dũng, Phó giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Vườn là nơi cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm như: tê tê Java, nai, heo rừng, mèo cá, rái cá lông mũi... Bên cạnh đó, còn có hơn 176 loài thực vật, 91 loài chim, 23 loài thú, 47 loài lưỡng cư - bò sát, 37 loài cá sinh sống tại đây.

Tê tê Java - loài thuộc Sách Ðỏ thế giới đang trong mức rất nguy cấp, cần được bảo vệ.

Tê tê Java - loài thuộc Sách Ðỏ thế giới đang trong mức rất nguy cấp, cần được bảo vệ.

Ðối với công tác giáo dục và tuyên truyền bảo vệ rừng, Vườn thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn phòng cháy chữa cháy rừng, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng và bảo tồn động vật hoang dã cho người dân.

"Chính quyền đã triển khai các dự án hỗ trợ người dân trồng cây ăn trái, nuôi cá, gia súc, gia cầm, giúp ổn định kinh tế và giảm áp lực lên tài nguyên rừng. Vườn cũng đã và đang phát triển nhiều mô hình du lịch sinh thái hấp dẫn như tham quan rừng tràm bằng xuồng ba lá, trải nghiệm cuộc sống thiên nhiên và thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương", ông Dũng thông tin.

Với những tiềm năng sẵn có, cùng với sự gắn bó bền chặt của người dân địa phương, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong công tác bảo tồn mà còn trong thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng U Minh.

"Từng cánh rừng tràm không chỉ là biểu tượng của thiên nhiên mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây. Nhờ sự quan tâm của chính quyền và sự chung tay của cộng đồng, U Minh Hạ ngày càng xanh tốt, bền vững, trở thành điểm sáng trong công tác bảo vệ rừng và phát triển kinh tế sinh thái", ông Dũng phấn khởi.

“Vườn Quốc gia U Minh Hạ có ý nghĩa rất lớn đối với cả môi trường và đời sống người dân địa phương. Chúng tôi không ngừng nỗ lực trong công tác bảo tồn thiên nhiên, phòng cháy chữa cháy rừng, đồng thời phối hợp với các cấp chính quyền triển khai các dự án phát triển kinh tế bền vững, giúp người dân nâng cao thu nhập mà vẫn gắn bó và bảo vệ rừng. Các sáng kiến nghiên cứu khoa học tại Vườn đã được công bố trên nhiều tạp chí khoa học lớn, góp phần lan toả giá trị của rừng U Minh Hạ", ông Lê Thanh Dũng, Phó giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, cho biết.

Theo Báo Cà Mau