Chị Nguyễn Thị Mộng Thu, ấp Sóc Tháo, xã Phú Tâm (Châu Thành) bên số bắp Mỹ thu mua của những hộ dân trong xóm bằng hình thức bao tiêu đầu ra. Ảnh: THÚY LIỄU
Trong căn chòi nhỏ nằm ven tuyến đường dẫn ra thị trấn Châu Thành được chị Thu chất đầy bắp trái, nơi đây, người dân đi lại khá đông nên việc buôn bán bắp trái của chị rất đắt khách. Ngồi trò chuyện với chúng tôi chỉ vài ba phút lại có khách ghé qua mua bịch bắp được cho sẵn vào chiếc túi nilông.
Vừa bán bắp, chị Thu tranh thủ trò chuyện cùng chúng tôi: “Gia đình tôi có 2 công đất sản xuất lúa, làm lúa lợi nhuận không được bao nhiêu sau mỗi vụ thu hoạch. Thế là chuyển đất lúa sang trồng dưa hấu, trồng khổ qua, với 2 loại màu trên, vụ nào cũng bị lỗ nặng bởi giá thấp, gia đình lâm cảnh nợ nần. Khi đó, được sự hỗ trợ của Chương trình Chuyến xe nhân ái, tôi trả xong nợ, số tiền còn lại tôi chuyển đổi đất sang trồng bắp Mỹ, tính đến nay đã 5 năm, cuộc sống gia đình đã ổn định. Bởi bắp sản xuất 4 vụ/năm, mỗi vụ trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận 6 triệu đồng/công”.
Nhờ trồng bắp có lợi nhuận tốt và tận dụng số tiền trên, chị Thu bao tiêu luôn đầu ra cho hộ dân trong xóm với hình thức đưa hạt bắp giống kết hợp luôn việc hướng dẫn kỹ thuật cho hộ dân, bình quân bao tiêu khoảng 8ha bắp. Chị thu mua bắp theo hình thức đưa hạt giống cho các hộ gieo trồng chênh lệch ngày, để bắp thu hoạch cách ngày nhau. Như vậy, lượng bắp trái thu về có mỗi ngày để cung ứng trên thị trường. Khi bao tiêu, tùy theo kích cỡ bắp, giá bao tiêu từ 1.500 đồng - 2.600 đồng/trái, bình quân mỗi ngày chị tiêu thụ 3.000 trái, cho thu nhập 1,2 triệu đồng. Lượng bắp trên được bán tại một số chợ trên địa bàn huyện, kể cả bán ngoài tỉnh.
Ông Tùng bên rẫy bắp Mỹ của gia đình khoảng 10 ngày tuổi. Ảnh: THÚY LIỄU
Cách nhà chị Thu tầm 1km, hộ ông Tùng cũng có thu nhập tăng đáng kể, từ khi chuyển đổi trồng lúa sang trồng bắp Mỹ. Dẫn chúng tôi ra tham quan 4 công bắp sau trận mưa lớn vừa dứt, ông Tùng bộc bạch: “Mấy tuần nay do mưa dồn dập đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cây bắp. Để cây bắp không bị ngập úng, tôi thường xuyên ra thăm rẫy nhằm kịp thời tháo nước nếu có nước đọng trên rẫy bắp. Với 4 công bắp, tôi thường trồng được 4 vụ/năm. Sở dĩ tôi quyết định chuyển đổi cây lúa sang trồng bắp bởi thu nhập từ lúa thấp, giá cả bấp bênh, cả mấy tháng ròng vất vả chăm bón, lợi nhuận không đáng bao nhiêu, thậm chí có năm còn bị lỗ do thời tiết thất thường. Lúc đầu, tôi trồng bắp theo hình thức thăm dò nên trồng 2 công thử nghiệm và các vụ bắp trong năm đều thành công. Vì vậy, tôi quyết định chuyển đổi thêm 2 công đất trồng bắp, tính đến nay đã hơn 4 năm gắn bó cùng cây bắp đã đem về nguồn thu nhập khá tốt cho gia đình, quân bình 1 công bắp cho khoảng 5.000 trái, thương lái thu mua ở mức 1.500 đồng - 2.500 đồng/trái, trừ hết các khoản chi phí bỏ túi 4 triệu đồng/công/vụ. Đồng thời, tận dụng sau thu hoạch trái, tôi lấy bắp cây cho bò ăn, đỡ phải đi cắt cỏ”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Tâm (Châu Thành) Lâm Văn Lũ thông tin: “Xã có diện tích trồng bắp trên 14ha, trong đó số hội viên nông dân tham gia trồng bắp 7ha. Đa số hội viên trồng bắp đều kết hợp nuôi bò, nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm từ cây bắp để cho bò ăn. Tới đây, hội sẽ liên kết các hội viên trồng bắp lại thành tổ hội nghề nghiệp để tạo mô hình bền vững theo hướng cây con với mục tiêu tăng thu nhập cho hội viên trên cùng diện tích đất sản xuất, tạo đầu ra trái bắp ổn định bằng hình thức liên kết bao tiêu, tăng sự đoàn kết trong hội viên nông dân để cùng nhau làm giàu…”.
Theo THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng)