Tập trung cho tuyến đường huyết mạch
Nhiều năm qua, Tỉnh lộ 948 giữ vai trò là tuyến đường kết nối chính giữa 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên nhưng cũng là “điểm nghẽn” trong phát triển của vùng Bảy Núi, đặc biệt là du lịch. Từ TP. Châu Đốc với trung tâm du lịch tín ngưỡng là Bà Chúa Xứ núi Sam, du khách có thể đi tiếp vào Khu du lịch (KDL) sinh thái rừng tràm Trà Sư, KDL núi Cấm (Tịnh Biên), vòng qua các điểm tham quan ở Tri Tôn, trở vào vùng đất Thoại Sơn (gắn với danh thần Thoại Ngọc Hầu) hoặc tiện đường xuống Hà Tiên, ra Phú Quốc. Tuy nhiên, tình trạng nhỏ hẹp, xuống cấp của Tỉnh lộ 948 khiến du khách ái ngại khi phải di chuyển từ Tịnh Biên qua Tri Tôn.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án Tỉnh lộ 948, với tổng kinh phí hơn 251,7 tỷ đồng (vốn Trung ương đầu tư 112 tỷ đồng, vốn tỉnh hơn 139,7 tỷ đồng). Từ nguồn vốn đã bố trí hơn 96,6 tỷ đồng, UBND huyện Tịnh Biên đã tập trung công tác bồi hoàn giải phòng mặt bằng, mời thầu triển khai dự án. Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Huân cho biết, đoạn đường thi công dài 9.602m, từ cầu Bưng Biền (xã Văn Giáo) đến KDL núi Cấm (xã An Hảo). Mặt đường thiết kế ngang 9m kết hợp 2 lề (mỗi bên 1,5m), dự kiến hoàn thành cuối năm 2020. Trong tổng số 761 hộ phải bồi hoàn, có 615 hộ đã nhận tiền. Địa phương đang tiến hành hỗ trợ cho 73 hộ trong khu vực đất quốc phòng và tiếp tục bồi hoàn cho 73 hộ còn lại để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. “Đơn vị thi công đã thống nhất phương án xây dựng cuốn chiếu nhằm tránh ảnh hưởng thiệt hại mùa mưa bão. Đây là tuyến đường huyết mạch rất quan trọng, kết nối Tịnh Biên đến Tri Tôn, Thoại Sơn, Long Xuyên, Hà Tiên… nên huyện sẽ tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công” - ông Huân thông tin.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên, để kết nối đồng bộ toàn tuyến Tỉnh lộ 948, tỉnh cần bố trí nguồn vốn khoảng 300 tỷ đồng triển khai thêm 11km, đoạn từ đầu tuyến Tỉnh lộ 948 đến cầu Bưng Biền và đoạn từ xã An Hảo (KDL núi Cấm) đến ranh huyện Tri Tôn. Trong chuyến khảo sát hạ tầng phục vụ du lịch vùng Bảy Núi mới đây, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cơ bản thống nhất chủ trương với đề xuất của huyện Tịnh Biên, giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu hỗ trợ địa phương.
Vực dậy thế mạnh Tri Tôn
Đối với huyện Tri Tôn, lịch sử cách mạng hào hùng đã để lại cho vùng đất này những chứng tích nổi tiếng như: đồi Tức Dụp, Ô Tà Sóc (căn cứ Tỉnh ủy), chùa Bồng Lai, chùa Vân Long (căn cứ cách mạng trên núi Cô Tô)… cùng chứng tích đau buồn nhà mồ Ba Chúc. Trong khi đó, 4/7 ngọn núi của dãy Thất Sơn hùng vĩ tạo cho Tri Tôn những cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt diệu, những hồ chứa nước nhân tạo cặp theo chân núi càng tô thêm vẻ hấp dẫn của vùng đất này.
Nhằm phục vụ phát triển du lịch của huyện Tri Tôn, nhiều công trình hạ tầng được tỉnh quan tâm, hỗ trợ đầu tư. Trong đó KDL hồ Soài So được xác định là địa điểm nằm trong quy hoạch phát triển ngành du lịch của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, hiện tại hồ Soài So có quy mô nhỏ, điều kiện vật chất nghèo nàn nên địa phương sẽ tập trung xây dựng KDL với quy mô lớn hơn, phát triển hiện đại, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Với tổng vốn đầu tư hơn 25,6 tỷ đồng, dự kiến huyện sẽ bồi hoàn, giải phóng mặt bằng 87.866m2, mở rộng, nâng cấp đoạn đường nối Tỉnh lộ 943 vào KDL, xây dựng hạ tầng du lịch, làng dân tộc thiểu số Khmer… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, khai thác lợi thế du lịch do thiên nhiên ban tặng.
Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại buổi làm việc với 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên
Đối với KDL đồi Tức Dụp, đang được Công ty Cổ phần Du lịch An Giang tập trung đầu tư với tổng vốn khoảng 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, con đường dẫn từ trung tâm thị trấn Tri Tôn vào KDL còn nhỏ hẹp nên huyện kiến nghị đầu tư mở rộng, nâng cấp 17km tuyến đường vòng quanh KDL thành tỉnh lộ. Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp tuyến đường Sóc Tức - Lê Trì (dài 5,8km) nhằm tạo kết nối du lịch, rút ngắn thời gian di chuyển từ KDL núi Cấm đến nhà mồ Ba Chúc cùng các điểm tham quan của huyện Tri Tôn. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các tuyến đường nhánh nhằm kết nối các hồ trên núi, những địa điểm hấp dẫn trên địa bàn huyện Tri Tôn.
Làm việc sau chuyến khảo sát, kiểm tra các tuyến đường phục vụ phát triển du lịch vùng Bảy Núi, những kiến nghị của huyện Tri Tôn được Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân và quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cơ bản đồng ý. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên cần làm tốt công tác quản lý quy hoạch, đa dạng hóa nguồn vốn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Bên cạnh các tuyến đường kết nối, phục vụ phát triển du lịch của 2 huyện, cần đầu tư thêm các tuyến đường kết nối Tri Tôn, Tịnh Biên với những địa phương trên địa bàn tỉnh, kết nối với tỉnh Kiên Giang nhằm tạo động lực phát triển mới cho du lịch vùng Bảy Núi.
NGÔ CHUẨN