Mít Thái siêu sớm là cây trồng được nhiều địa phương trong tỉnh đề xuất đưa vào mặt hàng nông sản chủ lực trong thời gian tới.
Đề xuất nhiều sản phẩm chủ lực
Hậu Giang có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên như thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu… nên thích hợp cho phát triển đa dạng chủng loại nông sản nhiệt đới. Trong đó, sản phẩm chủ lực và tạo ra nguồn thu nhập hấp dẫn cho nông dân của tỉnh là cây lúa. Hiện tại, diện tích trồng lúa trên địa bàn tỉnh khoảng 77.820ha, với 3 vụ sản xuất trong năm (khoảng 195.000ha), hàng năm tạo ra sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn. Ngoài cây lúa thì thực tế cho thấy hiện các địa phương trong tỉnh cũng đã hình thành được nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung với không ít loại nông sản có phẩm chất ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Chính lợi thế và nền tảng trong sản xuất từ trước đã tạo ra những mặt thuận lợi lớn trong việc chọn sản phẩm chủ lực mang tính đặc trưng riêng khi các địa phương trong tỉnh đề xuất nhiều mặt hàng chủ lực tại đơn vị mình.
Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, thông tin: Hiện địa phương rất đa dạng mặt hàng nông sản, tuy nhiên để gợi mở về sản phẩm chủ lực cho tỉnh xem xét thì huyện đề xuất một số mặt hàng. Trước mắt về cây ăn trái là mãng cầu xiêm. Bởi diện tích trồng loại cây này trên địa bàn huyện hiện nay tương đối lớn (hơn 300ha), đồng thời đã hình thành được hợp tác xã sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, cây chanh không hạt cũng đang phát triển mạnh về diện tích trên địa bàn huyện, nhất là tại những vùng mía kém hiệu quả được bà con chuyển sang trồng chanh không hạt hay tại vùng bị nhiễm phèn ở xã Hòa An thì trồng loại cây này đang phát triển tốt nên kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu nhập hấp dẫn cho bà con. Về vật nuôi, huyện đề xuất chọn con cá thát lát, vì đây là mặt hàng đang có xu thế phát triển về diện tích nuôi tại địa phương và có thị trường đầu ra ổn định.
Giống như huyện Phụng Hiệp, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho hay: Sản phẩm chủ lực của địa phương chủ yếu là cây ăn trái, trong đó mít Thái siêu sớm đang là cây trồng có thế mạnh. Cụ thể, diện tích trồng mít Thái trên địa bàn huyện hơn 4.500ha, chiếm gần 50% diện tích cây ăn trái toàn huyện. Ngoài mít Thái thì cây chanh không hạt cũng đang tạo nguồn thu nhập và đầu ra ổn định cho nhà vườn Châu Thành, với tổng diện tích trồng hơn 2.000ha.
Cùng với hai địa phương trên, lãnh đạo huyện Châu Thành A cho biết, hiện địa phương đã chọn được 6-7 sản phẩm đạt 4 sao theo tiêu chí quy định của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, địa phương đề xuất 2 sản phẩm có nhiều tiềm năng cho tỉnh nghiên cứu lựa chọn đưa vào mặt hàng chủ lực của tỉnh để có giải pháp phát triển trong thời gian tới, đó là xoài cát Hòa Lộc và sữa dê, cùng các sản phẩm đi kèm sữa dê. Còn thành phố Ngã Bảy có vườn cây ăn trái là sản phẩm chính nên địa phương này đề xuất một số loại cây trồng như: Chanh không hạt, sầu riêng, chôm chôm và cá tra. Đối với hai vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của tình hình xâm nhập mặn hàng năm là thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ thì đề xuất cây khóm Cầu Đúc, cá thát lát, bưởi da xanh, mãng cầu xiêm tháp gốc bình bát…
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, trong chương trình phát triển nông sản chủ lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020 đã xác định được 10 nông sản và đến nay đã có 13 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu hàng hóa, trong đó có 3 sản phẩm là cá thát lát, khóm Cầu Đúc và cam sành đã phát triển thành thương hiệu. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Những sản phẩm mà các địa phương đề xuất đều là mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, mục tiêu của tỉnh trong đợt chọn sản phẩm chủ lực lần này để tập trung đầu tư phát triển là phải có tính chuyên biệt. Để khi nhắc đến Hậu Giang thì nhiều người sẽ nhắc đến đặc sản, sản phẩm đặc trưng riêng của tỉnh. Từ mục tiêu trên và dựa vào đề xuất của các địa phương, cũng như điều kiện sản xuất của từng vùng nên Sở NN&PTNT có kế hoạch đề xuất với UBND tỉnh chỉ chọn 5-6 sản phẩm, không chọn đại trà. Về tiêu chí lựa chọn, trước tiên là diện tích đủ lớn để đảm bảo tạo ra sản phẩm nhiều nhằm cung cấp nhu cầu thị trường; thứ hai là ưu tiên những mô hình đang áp dụng sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm vì đây là yêu cầu cần thiết của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hiện nay. Trước mắt, Sở NN&PTNT sẽ đề xuất với UBND tỉnh xem xét về sản phẩm chủ lực gồm: lúa - gạo chất lượng cao, cây ăn trái (mít Thái và chanh không hạt), cá đồng Hậu Giang và các sản phẩm từ vịt. Về sản phẩm đặc sản là cá thát lát và khóm Cầu Đúc.
Cá thát lát cũng được đề xuất là mặt hàng nông sản mang tính đặc trưng riêng của tỉnh.
Những hoạch định mới
Bên cạnh việc đề xuất sản phẩm chủ lực có tiềm năng phát triển thì các địa phương trong tỉnh còn hoạch định nhiều giải pháp mới trong việc phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh trong thời gian tới nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Ông Diệp Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngã Bảy, chia sẻ: Với đa phần sản phẩm chủ lực là cây ăn trái, do đó để góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác cho người dân, tới đây thành phố Ngã Bảy đề ra giải pháp là phát triển cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái miệt vườn. Trước mắt, có thể áp dụng trên những vườn cây chôm chôm (tổng diện tích hiện tại 112ha) để đúc kết kinh nghiệm, sau đó xem xét nhân rộng ra các cây trồng khác. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân tiếp cận được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, từ đó tổ chức nhân rộng. Ngoài ra, ngành chức năng thành phố sẽ đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản nhằm ổn định về giá bán và thị trường đầu ra cho nhà vườn.
Cùng hoạch định chiến lược mới trong phát triển sản phẩm nông sản chủ lực, ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho hay: Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường về sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian qua địa phương đã có nhiều động thái tích cực trong chỉ đạo sản xuất để dần thay đổi ý thức, tập quán trong canh tác của nông dân. Điển hình, Vị Thủy là địa phương tiên phong của tỉnh thực hiện mô hình bón phân thông minh trong canh tác lúa, đồng thời đang thực hiện 220ha lúa hữu cơ, 11ha cây ăn trái sản xuất theo chuẩn VietGAP. Tới đây, địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình trên và phối hợp với ngành chức năng của tỉnh xây dựng nhiều điểm chợ đầu mối để việc tiêu thụ nông sản của người dân được thuận lợi hơn, trước mắt là chợ đầu mối ở xã Vị Trung.
Song song đó, nhiều địa phương trong tỉnh còn đề xuất nên tăng diện tích nuôi cá đồng, vì Hậu Giang có nhiều lợi thế. Mặt khác, khi nuôi cá đồng sẽ tranh thủ trồng thêm một số loài rau sống dưới nước như bông súng để vừa tăng nguồn thu nhập vừa có thể kết hợp du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính kết hợp với hệ thống tưới nước nhỏ giọt đang mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần chống biến đổi khí hậu hiệu quả, đồng thời đây còn là mô hình sản xuất theo xu thế công nghệ cao, công nghệ 4.0 đang được nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL và cả nước áp dụng. Tuy nhiên, quy mô sản xuất hiện tại trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ. Vì vậy, nhiều địa phương trong tỉnh đề xuất UBND tỉnh và các ngành có liên quan cần xem xét hỗ trợ kinh phí để người dân có điều kiện mở rộng và nhân rộng mô hình. Ngoài ra, tỉnh cũng cần xây dựng bản đồ đất cho từng vùng, qua đây sẽ thu hút và tạo điều kiện cho nhà đầu tư, chính quyền địa phương thuận tiện hơn trong việc xác định trồng cây gì, nuôi con gì, ở đâu là phù hợp…
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Trên cơ sở đề xuất các sản phẩm chủ lực và hoạch định những định hướng mới trong phát triển nông sản chủ lực của các địa phương sẽ làm cơ sở quan trọng để ngành nông nghiệp và UBND tỉnh lựa chọn sản phẩm chuyên biệt trước mắt, cũng như đưa ra những sản phẩm mang tính định hướng lâu dài. Trước mắt, UBND tỉnh thống nhất với đề xuất của Sở NN&PTNT là chỉ chọn tối đa 5-6 sản phẩm để tập trung đầu tư cho hiệu quả. Còn cụ thể sản phẩm nào, diện tích bao nhiêu và ở địa phương nào sẽ do Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh. Tuy nhiên, lưu ý khi chọn sản phẩm chủ lực phải mang tính chung của tỉnh và bám sát vào 3 lĩnh vực có thế mạnh, gồm: lúa - gạo chất lượng cao, cây ăn trái (mít Thái, chanh không hạt) và nuôi thủy sản (cá đồng, lươn). Riêng những sản phẩm mang tính đặc thù (đặc sản) của mỗi địa phương như khóm Cầu Đúc chỉ có ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ thì từng địa phương có giải pháp phát triển gắn với du lịch và sản phẩm du lịch để tăng hiệu quả sản xuất cho người dân.
Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)