Phát triển sản phẩm đặc trưng, thế mạnh ở Cần Thơ

05/11/2020 - 09:49

Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được triển khai thực hiện tại TP Cần Thơ từ năm 2018, với nhiều hoạt động tập huấn, hỗ trợ người dân phát triển các sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, mang tính đặc trưng, lợi thế địa phương theo chuỗi giá trị. Đến nay, Cần Thơ đã có các sản phẩm nông sản và sản phẩm chế biến được tiêu chuẩn hóa và đánh giá, xếp hạng sao theo OCOP, với chất lượng tốt, có bao bì, nhãn hiệu để người tiêu dùng nhận diện.

Các đại biểu tham quan, tìm hiểu các sản phẩm được trưng bày tại kỳ họp Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP TP Cần Thơ diễn ra ngày 20-10-2020 tại UBND TP Cần Thơ.

Nâng tầm sản phẩm địa phương

Cần Thơ đã có 3 quận, huyện có sản phẩm OCOP là Thốt Nốt, Ninh Kiều và Cờ Ðỏ với tổng cộng 19 sản phẩm, gồm 5 sản phẩm 4 sao và 14 sản phẩm 3 sao. Quận Thốt Nốt đang là địa phương dẫn đầu khi có 10 sản phẩm, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao. Trong số các sản phẩm này, có rất nhiều sản phẩm chế biến từ các loại nguyên vật liệu, nông, thủy sản tại địa phương. Qua đó, không chỉ giúp “nâng tầm” cho các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế tại địa phương mà còn góp phần quan trọng vào việc tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động ở nông thôn và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Ðiển hình, từ con cá tra nguyên liệu, ông Chương Văn Khanh ở khu vực Trường Thọ 1, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, đã nghiên cứu phát triển được nhiều sản phẩm chế biến có thể bảo quản để lâu và giúp mang lại giá trị gia tăng, được công nhận đạt theo OCOP.  Theo ông Khanh, từ việc phát triển các sản phẩm chế biến, hiện cơ sở của ông góp phần tiêu thụ hơn 100 tấn cá tra nguyên liệu/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động tại địa phương. Bên cạnh các sản phẩm mắm cá tra, khô cá tra tẩm ướp và khô cá tra một nắng đã đạt theo OCOP, tới đây ông dự kiến phát triển thêm các sản phẩm chả cá tra. “Mình làm sản phẩm cho mọi người ăn phải đảm bảo chất lượng và sạch sẽ. Nhà nước rất chú trọng đến sức khỏe của người dân nên luôn quan tâm hướng dẫn người dân thực hiện sản xuất đúng theo các quy định, kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm rất chặt chẽ. Do vậy, có sản phẩm đạt theo OCOP là vinh dự rất lớn đối với người sản xuất, cũng là sự công nhận của Nhà nước, tạo động lực để mình tiếp tục phấn đấu, nâng cấp, phát triển sản phẩm lên hơn nữa” - ông Khanh tâm huyết.

Sử dụng nguồn nguyên liệu trái mãng cầu xiêm trồng tại địa phương, Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ đã cho ra đời sản phẩm trà mãng cầu Kim Nhiên. Theo bà Nguyễn Kim Nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên, công ty đã nghiên cứu, phát triển sản phẩm trà từ trái mãng cầu xiêm nhằm hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, góp phần ổn định đầu ra và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Ðồng thời, tạo ra sản phẩm đặc sản của địa phương, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và mang lại những lợi ích tích cực và rõ rệt đối với người sử dụng. Tới đây, công ty dự kiến phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm chế biến từ trái mãng cầu, như: nước ép đóng chai, rượu, mứt,… để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, đưa thương hiệu lan tỏa trên thị trường Việt Nam và thế giới.

Nhân rộng sản phẩm OCOP

Cần Thơ đã có 4 sản phẩm OCOP đầu tiên được UBND TP Cần Thơ trao chứng nhận đạt hạng sao theo bộ tiêu chí OCOP vào tháng 7-2020. Ðó là sản phẩm Mắm cá tra của ông Chương Văn Khanh ở khu vực Trường Thọ 1, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt và Rượu mận Sáu Tia của ông Nguyễn Phú Tia ở số 492/14 khu vực Tân Mỹ 2, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt được chứng nhận đạt hạng 4 sao. Còn lại 2 sản phẩm được chứng nhận đạt hạng 3 sao, gồm: Bánh tráng dừa của bà Ðặng Thị Bích Tuyền và Bánh tráng ngọt của bà Hà Thị Sáu ở khu vực Hưng Phú, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt.

Vừa qua, Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP TP Cần Thơ tiếp tục tổ chức các đợt họp hội đồng để đánh giá, xếp hạng cho thêm nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn quận Thốt Nốt, Ninh Kiều và Cờ Ðỏ để trao giấy chứng nhận. Theo đó, ở huyện Cờ Ðỏ có sản phẩm Trà Kim Nhiên do Công ty TNHH chế biến nông sản Kim Nhiên ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ sản xuất (chủ thể là bà Nguyễn Kim Nhiên), được hội đồng đánh giá đạt 80 điểm theo các tiêu chí, thang điểm của OCOP và xếp hạng 4 sao.

Còn ở quận Thốt Nốt, chủ thể sản xuất là ông Chương Văn Khanh ở khu vực Trường Thọ 1, phường Tân Lộc có sản phẩm Khô cá tra một nắng Út Anh đạt 71 điểm được xếp hạng 4 sao, Khô cá tra tẩm ướp Út Anh đạt 69 điểm được xếp hạng 3 sao và Nước mắm cá linh Út Anh đạt 66 điểm được xếp hạng 3 sao. Sản phẩm Nhãn IDOL của chủ thể sản xuất là Hợp tác xã trái cây Tân Lộc ở khu vực Long Châu, phường Tân Lộc được xếp hạng 3 sao khi đạt 63 điểm. Sản phẩm Nước ổi lên men Cô Ðiệp của chủ thể sản xuất là bà Lê Hồng Ðiệp tại khu vực Tân An, phường Tân Lộc đạt 58 điểm, được xếp hạng 3 sao. Sản phẩm Gạo Tím Ðức Hưng do Công ty TNHH Duy Ðức Hưng tại khu vực Phụng Thạnh 2, phường Trung Kiên, sản xuất (chủ thể là bà Võ Thị Ðức) đạt 61 điểm, xếp hạng 3 sao.

Tại quận Ninh Kiều, sản phẩm tranh gạo của Công ty TNHH Một thành viên Khưu Tấn Bửu, với chủ sở hữu là anh Khưu Tấn Bửu ở khu dân cư Thới Nhựt 2, phường An Khánh được hội đồng đánh giá đạt 73 điểm, xếp hạng 4 sao. Sản phẩm hủ tiếu Phục Dân của ông Ngũ Thời Nam ở khu vực 6, phường An Khánh đạt 55 điểm, xếp hạng 3 sao. Còn  6 sản phẩm gồm bột đậu nành, bột đậu đen xanh lòng, bột 5 thứ đậu, bột gạo lứt đậu đỏ, bột gạo lứt mè đen, sữa thảo mộc KokKoh được sản xuất bởi cơ sở Thuận Hòa của ông Lý Văn Thanh ở phường An Lạc, đạt số điểm từ 65-66 điểm và tất cả được xếp hạng 3 sao.

Qua việc đánh giá, xếp hạng  cho các sản phẩm OCOP trong các đợt họp hội đồng vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng đánh giá cao nhiều tổ chức, cá nhân đã có những cách làm hay, sáng tạo nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào sẵn có tại địa phương để phát triển chế biến, hình thành sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao và góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động ở nông thôn, cần tiếp tục phát huy. Ông Nguyễn Thanh Dũng cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân cần quan tâm hoàn thiện sản phẩm, thực hiện tốt các khâu liên kết sản xuất, quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng bao bì, nhãn hiệu đẹp, bắt mắt, đảm bảo đúng và đầy đủ các thông tin theo quy định. Các sở, ngành thành phố và địa phương tiếp tục hỗ trợ cho người dân trong xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP.

Theo Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố được UBND TP Cần Thơ phê duyệt theo Quyết định 2863/QĐ-UBND ngày 5-11-2018, chọn 40 sản phẩm có tiềm năng để hỗ trợ, thúc đẩy thực hiện tiêu chuẩn hóa nhằm đạt các tiêu chí của sản phẩm OCOP. Theo đó, đến năm 2020 Cần Thơ có 20 sản phẩm OCOP và đến năm 2030 phát triển thêm 20 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm OCOP của Đề án là 40 sản phẩm.

Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)