Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thăm Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: VGP/Hải Minh
Theo báo cáo của tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có 2.152 người nghiện và người sử dụng ma túy trái phép có hồ sơ quản lý, đứng thứ 11/13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng phát hiện 78 vụ, 99 đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ gần 23,4 g heroin, hơn 2.918 g ma túy tổng hợp.
Tĩnh Vĩnh Long có 1 cơ sở cai nghiện ma túy với tổng diện tích 69.599 m2, trong đó, khu 1 có tổng diện tích 22.156 m2, được cải tạo từ lò vôi cũ, còn khu 2 sắp được đưa vào hoạt động.
Cơ sở 1 có khả năng tiếp nhận 200 học viên, hiện đang quản lý 128 học viên, trong đó có 93 học viên cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án, 34 học viên cai nghiện tự nguyện, 1 đối tượng xã hội.
Cơ sở được trang bị thiết bị, dụng cụ, máy siêu âm, X-quang, phòng xông hơi, tập gym, sân bóng, phòng cắt tóc, dạy nghề, vi tính... nhưng vẫn còn thiếu các trang thiết bị và dụng cụ cần thiết theo quy định tại Phụ lục I của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ.
Cơ sở Cai nghiện ma túy luôn được sự quan tâm từ các ngành chức năng, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tạo mọi điều kiện thuận lợi để đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Từ năm 2018 đến nay tình hình an ninh trật tự tại Cơ sở được đảm bảo tuyệt đối, không có trường hợp học viên bỏ trốn tập thể và thẩm lậu ma túy vào nội trại, học viên tích cực tham gia các hoạt động và chấp hành tốt nội quy, quy chế Cơ sở đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Vĩnh Long đang gặp những khó khăn: Phần lớn người nghiện đang sinh sống tại cộng đồng; đối tượng tiếp nhận, quản lý vào Cơ sở ngày càng phức tạp, đa số sử dụng ma túy tổng hợp, có nhiều tiền án tiền sự ngoài xã hội; độ tuổi người nghiện ngày càng trẻ; số lượng người nghiện ma túy ngày càng tăng và nhu cầu được chăm sóc, điều trị bệnh cao.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm khu dạy nghề của Cơ sở - Ảnh: VGP/Hải Minh
Dự án nâng cấp, mở rộng Cơ sở cai nghiện ma túy dự kiến đưa vào hoạt động từ cuối năm 2023, nâng quy mô tiếp nhận, quản lý của Cơ sở lên 500 học viên sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn của đơn vị như về biên chế, việc tìm kiếm đối tác đào tạo nghề, tổ chức lao động trị liệu tạo thu nhập cho học viên tại Cơ sở.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tặng quà Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: VGP/Hải Minh
Tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng Khu quản lý đối tượng là trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nhằm thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, ngày 21/12/2021 của Chính phủ và Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 ngày 5/4/2016.
Tiếp tục mở rộng và xây dựng Khu cai nghiện ma túy tự nguyện theo hướng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước và từng bước giảm dần cai nghiện ma túy bắt buộc theo tinh thần Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Mở rộng diện tích đất để bố trí Khu lao động trị liệu cho người nghiện ma túy đang cai nghiện tập trung tại Cơ sở. Mục tiêu Cơ sở hướng đến là làm nông nghiệp công nghệ cao như trồng nấm, rau xanh, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tỉnh cũng đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Điều 33 Nghị định 116/2021/NĐ-CP, cụ thể: Đối với người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện vi phạm nội quy, quy chế hoặc tự ý kết thúc hợp đồng cai nghiện sẽ chuyển sang áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đề xuất Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư về định mức kinh tế kỹ thuật đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực cai nghiện ma túy để các địa phương làm cơ sở trình cấp thẩm quyền giao cơ chế đặt hàng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, biểu dương, đánh giá cao sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác cai nghiện ma túy, nhất là trong việc đầu tư trang thiết bị, nâng cấp, mở rộng cở sở cai nghiện.
Phó Thủ tướng cũng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực khắc phục khó khăn của lãnh đạo, viên chức, người lao động tại Cơ sở cai nghiện trong điều kiện làm việc, quản lý đối tượng người nghiện ma túy, với tỉ lệ có tiền án, tiền sự cao, nguy cơ nhiễm HIV, lao... để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt trong những năm gần đây, đã tư vấn, quản lý giáo dục học viên tốt, không để xảy ra hiện tượng bỏ trốn tập thể khỏi cơ sở cai nghiện ma túy.
Đối vớinhững kiến nghị của địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành tham gia đoàn công tác, trong phạm vi, trách nhiệm được giao, cần nghiên cứu, sớm ban hành các văn bản, bố trí nguồn lực để hỗ trợ địa phương hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra.
Phó Thủ tướng gợi ý tỉnh Vĩnh Long cần chủ động tìm kiếm nguồn lực từ xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác cai nghiện trên tinh thần làm phải có hiệu quả, làm tử tế, làm tới nơi tới chốn.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng mong muốn tỉnh Vĩnh Long phấn đấu trở thành hình mẫu về điều trị cai nghiện ma túy tại đồng bằng sông Cửu Long.
Theo chương trình công tác, sáng ngày 28/6, Phó Thủ tướng sẽ đi khảo sát tình hình điều trị cai nghiện ma túy tại tỉnh Hậu Giang trước khi chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh Tây Nam Bộ về chống đánh bắt thủy sản trái phép, không khai báo, không theo quy định, phòng chống ma túy, hàng giả và gian lận thương mại tại TP. Cần Thơ chiều cùng ngày./.
Theo HẢI MINH (Chính phủ)