Đèn măng-xông (manchon) là phát minh quan trọng nhất trong lịch sử của hải đăng. Đèn này hoạt động theo nguyên lý làm bốc hơi lượng nhiên liệu được đốt (thường là dầu), truyền một áp lực lên những ống tuýp có tết sợi bên trong, thấm qua muối kim loại đặc biệt gắn bên trên lớp vĩ nung.
Qua đó, đèn có thể tự “đun nóng” phát ra độ sáng màu trắng, tương đương 400w, mạnh gấp từ 6-8 lần so các loại đèn dầu; 1 lít dầu sử dụng khoảng 10 giờ đồng hồ, điều khiển bởi “hệ thống chỉnh” bằng tay.
Đèn có quai để máng, treo trên xà nhà hay đặt trên bàn. Dòng họ đèn măng-xông khá phong phú chủng loại: Petromex, Star Max, Solat, ABC, Standa… nhưng nổi tiếng nhất là Aida.
Sản phẩm này đang hiếm người sử dụng, nên việc tìm “thầy” để sửa chữa, phục chế nó lại càng hiếm.
Ông Lê Văn Tùng (68 tuổi, ngụ ấp Kênh B, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) đến TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) tìm “thầy” chữa trị đèn Aida bộc bạch: “Khoảng nửa thế kỷ trước, gia đình giàu có, khá giả mới có điều kiện sở hữu được cây đèn măng-xông.
Ngày ấy, mỗi lần thấy đèn thắp sáng là báo hiệu nơi đó có đám cưới, hoặc diễn ra một sự kiện quan trọng.
Hiện nay, nông thôn vẫn còn người xài đèn măng-xông để soi cá, bắt ếch, rắn, chuột... nhất là khi bị “nhà đèn” cúp điện. Khổ nỗi, đèn bị hư, tìm “thầy” để trị nó là chuyện không dễ chút nào”.
Ông Nguyễn Hữu Miêng (66 tuổi, ngụ khóm Đông Thịnh 2, phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên, An Giang)) là người hiếm hoi đeo đuổi nghề mua bán, “chẩn trị” nhiều mặt hàng “quá đát”, đặc biệt đối với đèn măng-xông các loại.
Ông Miêng chia sẻ: “Gần đây, khi điện khí hóa nông thôn rộng khắp, ít người xài đèn. Trước đây, ở TP. Long Xuyên này ai chơi hay xài đèn măng-xông đều biết chú Ba Độ, Ba Long, Bảy Cung (nay đã chết).
Các ông là “bác sĩ” chuyên trị mặt hàng đèn măng-xông. Cây đèn này thấy đơn giản nhưng mở ra lại có đến hàng trăm món, khó tìm nhất là các loại béc, ron…
Loại đèn này hiện vẫn còn người đem đến phục chế, sửa chữa, tùy bệnh hoặc thay phụ tùng chỉ 200.000-400.000 đồng/cái. Để sửa chữa tôi phải lên Chợ Lớn, chợ Kim Biên (TP. Hồ Chí Minh) tìm mua hàng về dự trữ, hoặc tìm đèn cũ “giải phẫu” ra sử dụng.
Tuy khách không nhiều, nhưng hàng tuần đều có người đến sửa, đặc biệt là ở miệt Rạch Giá. Tôi vẫn phải học thêm nghề sửa khóa để mưu sinh, bởi sửa đèn khi chưa tìm được phụ tùng phải chờ khá lâu”.
Ông Đặng Văn An (64 tuổi, ngụ ấp Bình Khánh 1, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) được coi là “kỳ nhân” trong giới đồ cổ, đang sở hữu trên 100 đèn măng-xông các loại.
Ông An nói: “Đèn măng-xông trước đây là “vua” của các loại đèn. Người giàu có, nhất là dân miền biển làm nghề đánh bắt thủy sản thường sở hữu mặt hàng này.
Hiện, mỗi năm tôi vẫn mua bán hàng trăm, thậm chí hàng ngàn đèn măng-xông các loại cho người có nhu cầu, khách hàng thường là ở TP. Hồ Chí Minh. Họ bán sang Campuchia, Lào, Thái Lan.
Trước đây, tôi mua bán, sửa chữa bình quân 150 đèn/tháng. Hiện số đèn sửa chữa cũng lai rai, nhất là phục chế. Tôi mua bán tính ra đã vài chục ngàn đèn các loại, còn sửa chữa, phục chế vài ngàn cái.
Để theo đuổi nghề này, bắt buộc phải dự trữ các loại mặt hàng, học hỏi, tìm hiểu, sưu tầm về các loại đèn để bổ trợ nhau. Đặc biệt, phải có mạng lưới “cộng tác viên” rộng khắp các miền và người mua bán, sửa chữa chấp nhận số tiền thỏa đáng”.
ThS Võ Văn Đông (Hội Khoa học Sử học tỉnh) cho biết: “Đèn măng-xông là một tiến bộ khoa học lớn của lịch sử loài người, phục vụ đáng kể cho đời sống con người, nhất là trong đánh bắt thủy, hải sản, cư dân vùng biển.
Mặt hàng này dù ít được sử dụng, nhưng vẫn còn nhiều nông dân nông thôn xài. Số người sửa chữa, phục chế là rất hiếm, vốn quý, cần bảo tồn.
Nếu đạt đến một mức quy định họ cần tiếp tục trau dồi, tiến tới đăng ký trở thành nghệ nhân của một ngành nghề”.
Ông Đặng Văn An với đèn măng-xông
Bài, ảnh: NGUYỄN RẠNG