
Chùa Hộ Phòng cũ (TX. Giá Rai) tu sửa, trang trí lại các công trình mừng tết Chôl-chnăm-thmây. Ảnh: H.T
ĐÓN TẾT VỚI “CHIẾC ÁO” MỚI
Dù còn khoảng một tuần nữa mới đến tết Chôl-chnăm-thmây (từ ngày 14 - 16/4), nhưng sinh khí đón Tết cổ truyền đã tràn ngập khắp các địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống. Trên các tuyến đường dẫn về phum sóc, bộ mặt nông thôn như được khoác lên mình “chiếc áo” mới với lộ làng khang trang, nhà cửa sạch đẹp và những tấm băng-rôn mừng tết Chôl-chnăm-thmây.
Hình ảnh dễ bắt gặp nhất trong những ngày này là các chùa Khmer tất bật tu sửa, trang trí để đón năm mới với diện mạo lộng lẫy. Tại các chùa như: Hộ Phòng mới (TX. Giá Rai), Xiêm Cán (TP. Bạc Liêu) hay Cái Giá giữa (huyện Vĩnh Lợi), Tết đã tràn về trong sắc màu rực rỡ của cờ hoa, vẻ đẹp của các công trình nghệ thuật kiến trúc. Cùng với đó, các nghi lễ quan trọng như: rước Đại lịch, đắp núi cát, tắm Phật, cầu siêu được các chùa chuẩn bị chu đáo để phần lễ diễn ra trang trọng và góp phần bảo tồn, phát huy những nét đẹp tín ngưỡng tôn giáo.
Nếu nhà cửa của người sống được trang hoàng thì “ngôi nhà” của người đã khuất cũng được sửa sang lại để đón Tết. Cũng vì vậy nên trước Tết ít ngày, nhiều người đã vào chùa sơn phết, vệ sinh lại tháp cốt - nơi cất giữ hài cốt của tổ tiên, người thân đã khuất nhằm thể hiện đạo hiếu của con cháu và cầu mong sẽ được phù hộ những điều tốt đẹp trong năm mới.

Một gia đình Khmer ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) làm bánh gừng đón Tết.
GIỮ BẢN SẮC TRUYỀN THỐNG
Dù mang dáng vẻ hiện đại của nông thôn mới, song những giá trị văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ dưới mái nhà của đồng bào Khmer. Trước thềm tết Chôl-chnăm-thmây đến gần, cùng với nhà cửa thì bàn thờ tổ tiên, ông bà luôn được quét dọn sạch sẽ. Đầm ấm, hạnh phúc nhất là khoảnh khắc gia đình tụ họp lại để chuẩn bị lễ vật, thức ăn để cúng tổ tiên, dâng vào chùa trong 3 ngày Tết.
Anh Triệu Thanh Thal (ấp Giồng Giữa A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Dù có ở đâu, làm việc gì thì người Khmer đều phải về nhà đón Tết cổ truyền của dân tộc mình. Vì vậy, gia đình tôi đã tạm gác công việc ở TP. Hồ Chí Minh để được sum họp bên người thân, họ hàng trong những ngày tết Chôl-chnăm-thmây. Ngoài việc được tham gia các nghi lễ, hoạt động vui chơi trong dịp Tết thì đây còn là cơ hội để giữ “lửa” hạnh phúc gia đình thông qua những phút giây cùng nhau dọn nhà, chuẩn bị cúng tổ tiên, làm các món bánh truyền thống… Từ đó, vun đắp thêm tình yêu thương, nhắc nhở con cháu biết trân trọng, giữ gìn những giá trị tốt đẹp của tết Chôl-chnăm-thmây”.
Hòa cùng những thanh âm tưng bừng trên phum sóc, nhiều đội văn nghệ của các chùa Khmer trong tỉnh cũng đang hăng say tập luyện chương trình nghệ thuật mừng tết Chôl-chnăm-thmây. Tại chùa Cái Giá giữa (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), đội văn nghệ với các thành viên đa phần đều là bạn trẻ hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Bạn Thạch Thị Ngọc Phượng bày tỏ: “Dù bận bịu với công việc và học tập, nhưng các thành viên trong đội đều tham gia tập luyện đông đủ, mọi người đều dồn nhiều công sức, tâm huyết vào từng điệu múa, tiết mục. Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu thưởng thức văn nghệ trong dịp Tết của đồng bào Khmer, việc làm này còn góp phần lan tỏa tình yêu dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống”.
Từ mỗi ngôi nhà của người Khmer đến những ngôi chùa trên các phum sóc ở Bạc Liêu, không khí chuẩn bị đón tết Chôl-chnăm-thmây đang diễn ra trong niềm hân hoan, phấn khởi để cùng hướng tới một cái tết rộn rã sắc màu, tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.
Theo Báo Bạc Liêu