Sắc Thần ở đình Tân Thành

29/03/2021 - 08:47

Nằm bên bờ sông Cái Nhúc hiền hoà, giữa sự phát triển nhanh và nhộn nhịp khi nơi đây được xác lập là phường của TP Cà Mau, đình thần Tân Thành vẫn khá yên tĩnh, cổ kính, lưu giữ nét xưa đình làng. Mỗi dịp vào lễ hội, khách thập phương tề tựu về cúng bái, thành kính tưởng nhớ công đức các bậc tiền hiền đã có công khai phá, phù hộ cho mưa thuận gió hoà, người người ấm no, bình an, hạnh phúc…

A A

 

Ngày 16-2 là ngày cúng chính của đình. Trong tiếng nhạc lễ, Ban Quản trị đình cúng trước, đến khách mời cùng bà con trong và ngoài làng. Phẩm vật cúng ngoài các món xôi, trái cây… phải có con heo trắng trong tư thế nằm phục.

Trong 2 ngày 27 và 28-3 (nhằm 15 và 16-2 AL), đình Tân Thành tiến hành lễ cúng Kỳ Yên. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, cầu cho quốc thái dân an, phúc lộc, an bình thịnh vượng.

Bà con xa gần về đây thành kính thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đối với thần linh bằng những phẩm vật, nghi thức truyền thống. Cúng đình cũng là điều kiện gắn kết cộng đồng; bà con trong xóm, ấp có dịp gần gũi nhau hơn qua sinh hoạt lễ hội.

Theo sử sách ghi lại, vào đầu thế kỷ 19, nơi này được gọi là Long Thủy Tổng, do có con sông Cái Nhúc chạy dài suốt làng như một con rồng. Theo con nước, người dân quy tụ về đây sinh sống, họ gọi nơi này là làng Tân Quy (thuộc huyện Long Xuyên).

Đến thế kỷ 20, Nhân dân khắp nơi, phần lớn là những dòng tộc họ Nguyễn, họ Trần từ miền Trung về đây lập nghiệp, khai phá rừng hoang và sau đó hình thành các cộng đồng dân cư, lập làng, lập xóm, hình thành nên tên đất, tên làng: xóm Cây Muồng, xóm Bánh Luôn, xóm Ong Mỏ, sông Cái Nhúc… Cái tên Tân Thành cũng hình thành từ đó với ý nghĩa “Làng mới thành lập”.

Để tồn tại, cư dân phải vượt qua những khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, thú dữ… người dân trong làng lập nên đình thờ thần để gửi gắm niềm tin.

Tương truyền, vào đầu thế kỷ 19, dưới triều Nguyễn, ngôi đình được ông Nguyễn Văn Vinh dựng nên với nền đất, cây lá tạm bợ, thờ các vị thần linh. Qua nhiều giai đoạn lịch sử, đình thần Tân Thành mới có được như ngày nay.

Sử sách ghi lại, vào tháng 10-1822 (Minh Mạng nhị niên), làng Tân Quy (Tân Thành ngày nay) được vua Minh Mạng ban tặng cây thước đo đạc với ý nghĩa tượng trưng cho sự đo đạc phân chia ruộng đất công bằng, khuyến khích phát triển nghề nông.

Cây thước đo đạc, hay còn được gọi là thước lỗ ban, do vua Minh Mạng ban tặng tháng 10-1822, với chất liệu bằng gỗ, có chiều dài 0,5m, nhằm phục vụ cho việc đo đạc, quản lý điền thổ và phát triển nghề nông.

Vào ngày 29-11-1852 (năm Tự Đức thứ 5, nhằm ngày 8-1-1853), vua Tự Đức đã ban chiếu chỉ sắc phong thần làng “Thành Hoàng Bổn Cảnh” cho làng Tân Quy, vị thần cai quản làng, với nội dung được dịch ra là: Thần Thành hoàng bổn cảnh, vốn đã được tặng là thần Quảng hậu Chính trực Hựu thiện, giúp nước cứu dân, từng nhiều lần thể hiện linh ứng. Ta nay vâng theo mệnh sáng của trời, nghĩ tới các đức tốt của thần, tặng thêm là thần Quảng hậu Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng, vẫn chuẩn cho Tân Quy thôn, Long Xuyên huyện, thờ phụng như cũ. Thần thì phải giúp đỡ bảo vệ cho dân đen của ta. Kính đấy!”.

Giây phút linh thiêng, trang nghiêm khi sắc thần được mở ra. Dù được viết trên giấy gió, nhưng với lòng thành kính, gần 200 năm, có nhiều phai màu, nhưng sắc thần đến nay vẫn được giữ gìn khá tốt.

Sắc thần chỉ được mở ra trong thời gian rất ngắn để người dân chiêm ngưỡng, ngay sau đó được cuộn lại, bọc vải và bỏ vào ống kim loại một cách cẩn thận. Sau khi được bảo quản qua nhiều lớp, sắc thần được lưu giữ vào trong hộp gỗ, trưng trước chánh điện trong những ngày lễ Kỳ Yên.

Trải qua gần 200 năm, đình Tân Thành ngày càng khang trang, uy nghiêm, luôn trở thành nơi gửi gắm tâm linh, niềm tin, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền hiền đã có công khai phá vùng đất, cũng như lưu giữ nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc…

Đình thần Tân Thành cổ kính, uy nghiêm bên bờ sông Cái Nhúc, nay thuộc phường Tân Thành, TP Cà Mau. 

Ngày 6-2-2009, đình Tân Thành được UBND tỉnh Cà Mau công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.

Theo TRẦN NGUYÊN (Báo Cà Mau)