Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel tại tỉnh Hậu Giang.
Xu thế tất yếu
Theo ông Hoàng Đắc Hiệt, Trưởng Phòng Nghiên cứu cây giống và vật nuôi, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã và đang gây ô nhiễm môi trường và làm suy giảm chất lượng nông sản. Do đó, việc phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng nông sản và giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng cũng như môi trường sống; đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ có cơ hội cho ngành hàng rau, quả, chè, cây gia vị, cây làm thuốc, thủy sản theo phương thức nuôi sinh thái và một tỷ lệ nhất định với cà phê, hồ tiêu…
Xuất phát từ thực tế này, tại Hội thảo, nhiều đơn vị, doanh nghiệp giới thiệu những sản phẩm, thiết bị, phần mềm ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch: cảm biến kết nối vạn vật, máy bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp, phần mềm truy xuất nguồn gốc và xác thực sản phẩm, phần mềm quản lý và giám sát nông nghiệp thông minh… "Khu vực ĐBSCL có nhiều sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp 4.0 có thể kể đến: hệ thống phao quan trắc môi trường, phân bón thông minh (Tập đoàn Mỹ Lan), phân bón sinh học (Công ty Bùi Văn Ngọ) hay mô hình canh tác thông minh sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP của Tập đoàn Lộc Trời… Từ đó cho thấy, khả năng ứng dụng công nghệ 4.0 để tạo bước đột phá trong nông nghiệp của vùng là rất lớn"- ông Ngô Đắc Thuần, Chủ tịch Công ty Cổ phần IP GROUP, khẳng định.
Thay đổi tư duy sản xuất
Với các công nghệ, kỹ thuật hiện có của thế giới và Việt Nam, sản xuất nông nghiệp nước ta hoàn toàn có thể chuyển sang sản xuất xanh, sạch. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là doanh nghiệp, nông dân phải thay đổi tư duy, nâng cao trách nhiệm trong sản xuất xanh, sạch, hữu cơ. Việc thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ là vấn đề không dễ dàng đối với người sản xuất. Bởi trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ chỉ được phép sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ; phòng trừ dịch hại bằng các biện pháp thủ công hoặc bằng thuốc thảo mộc, sinh học nên mất nhiều công sức và khó thực hiện trên diện rộng so với sản xuất thông thường.
Ông Ngô Đắc Thuần, Chủ tịch Công ty Cổ phần IP GROUP, nhấn mạnh: "Nếu không có những con người có tư duy mới, sáng tạo và ham học hỏi thì công nghệ có hiện đại đến mấy cũng không thể ứng dụng vào thực tế. Mặt khác, các sáng chế của nông dân, cá nhân, doanh nghiệp hiện nay về nông nghiệp sạch, công nghệ cao cũng rất triển vọng. Và chúng ta phải kết nối họ với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn để tìm nguồn lực đầu tư hoàn thiện ý tưởng và đưa những ý tưởng này vào thực tiễn".
Ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thành, đề xuất hình thành hệ sinh thái nông nghiệp thông minh. Đó là hình thành nhận thức tự động, toàn diện về cây trồng; thực hiện chính xác các nhiệm vụ nông nghiệp; ra quyết định thông minh về sản xuất nông nghiệp.
Hiện tại, một số nông sản sạch, hữu cơ của Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới: trà, cà phê, rau, trái cây... Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch vẫn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng nông nghiệp và có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai. Để nông nghiệp xanh phát triển thì khâu thị trường phải được giải quyết triệt để. Khi chuyển sang sản xuất hữu cơ, công nghệ cao thường cho năng suất cây trồng, vật nuôi thấp nên giá thành phẩm luôn cao hơn sản phẩm truyền thống. Do đó, để nông nghiệp xanh phát triển, khâu tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa, giúp người tiêu dùng hiểu đúng giá trị của sản phẩm hữu cơ. Ngành chức năng cần đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng, tiếp cận vốn… để khuyến khích nông dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất và hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản xanh, sạch.
"Hiện nay, tại nhiều địa phương có xu hướng giảm diện tích gieo trồng, thay vào đó là nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền. Đơn cử như trong sản xuất lúa, chúng ta giảm sản lượng xuất khẩu để gieo trồng nhiều hơn các giống lúa chất lượng, nâng tỷ lệ giống đặc sản, bản địa có chất lượng. Chúng ta không thể xuất khẩu gạo với giá dưới 500USD trong khi nhiều thành phố lại nhập các loại gạo sạch, chất lượng với giá trên 1.000USD. Nói như vậy để thấy, cơ hội để chúng ta sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ đối với một số giống lúa của Việt Nam là hiện hữu"- ông Hoàng Đắc Hiệt, Trưởng Phòng Nghiên cứu cây giống và vật nuôi, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, nói.
Theo MỸ THANH (Báo Cần Thơ)