Câu chuyện HTX An Long (Đức Hòa) chuẩn bị mua máy bay không người lái làm dịch vụ nông nghiệp gây nhiều chú ý, mặc dù còn vướng víu "giấy phép bay". Nhiều nông dân cho rằng, đây là một bước đột phá mới khi nông dân lấn sâu vào lĩnh vực khá tốn kém này.
HTX An Long chuẩn bị mua máy bay để làm dịch vụ nông nghiệp.
Đột phá…
“Nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại địa phương, và hạn chế đầu vào sản xuất…, HTX quyết định mua máy bay để hỗ trợ sản xuất và làm nông nghiệp”, Chủ tịch HĐQT HTX An Long Vương Trọng Nghĩa bộc bạch.
HTX An Long mới được thành lập hơn năm nay và không nằm trong diện được hỗ trợ chính sách phát triển công nghệ cao của tỉnh Long An. Hiện, HTX An Long có 52 thành viên với hơn 70ha đất. Ngoài sản xuất lúa an toàn, HTX còn sản xuất rau màu cung cấp cho thị trường.
“HTX không thuộc diện được hỗ trợ tài chính của tỉnh, nhưng chúng tôi quyết tâm mua máy bay không người lái với kinh phí khoảng 500 triệu đồng/chiếc”, ông Nghĩa thông tin.
Theo ông Nghĩa, việc dùng máy bay không người lái phun thuốc BVTV trên đồng lúa là nhằm tiết kiệm thời gian, công lao động, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, giảm chi phí, tránh hư lúa, tránh lây lan bệnh…, và cũng chuẩn bị làm dịch vụ nông nghiệp sau này.
Ông Nghĩa tính, nếu như trước đây, mỗi ha lúa phải mất 250 lít thuốc BVTV và mất hàng giờ phun bằng tay, thì giờ đây nếu dùng máy bay phun thuốc chỉ mất 10 lít thuốc/ha, và mất khoảng 30 phút/ha.
Ở “rốn phèn” này, giờ đây tại xã Thạnh An (Thạnh Hóa) cũng đã tính đến việc cần công nghệ, kỹ thuật cao hỗ trợ.
Mô hình trồng chuối công nghệ cao của ông Võ Quan Huy-người được mệnh danh là "siêu" nông dân được tỉnh Long An xem là mô hình điểm.
Ông Trang Văn Tốt - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FreFarm cho biết, công ty quyết định đầu tư bước đầu hơn 100 tỉ đồng với diện tích khoảng 71ha, cùng hơn 200 nhân sự để sản xuất các loại nông sản sạch phục vụ thị trường Việt Nam và xuất khẩu.
Mục tiêu sắp tới của công ty sẽ mở rộng diện tích dưa lưới lên 20ha, áp dụng quy trình sản xuất theo GlobalGAP để xuất khẩu.
Theo ông Tốt, quy trình sản xuất dưa lưới được chuẩn hóa từ khâu xây dựng kết cấu hạ tầng đến khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Hạt giống được chọn lựa từ những nước có tiêu chuẩn nông nghiệp hàng đầu thế giới, như: Nhật Bản, Israel.
Kỹ thuật trồng trọt công nghệ cao được chuyển giao từ Đại học Nông Lâm TP.HCM. Nông sản sau khi thu hoạch được bảo quản tự nhiên bằng công nghệ cấp đông cao cấp của Nhật Bản.
Khởi sắc…
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 380ha diện tích áp dụng hệ thống tưới nước tiên tiến. Các mô hình này chủ yếu tập trung cho khu vực vùng rau, thanh long, chanh… Có hơn 40 mô hình vùng rau, thanh long ứng dụng CNC do chính quyền hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhiều mô hình do dân tự thực hiện do thấy tính hiệu quả của giải pháp.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh cho biết, ngoài 3 cây trồng chủ lực (lúa, thanh long, rau) thì con bò cũng được tỉnh đầu tư, hỗ trợ và bước đầu mang lại hiệu quả đáng kể.
Dưa lưới-một cây ăn quả "khó tính", đã xuất hiện ở "rốn phèn" Đồng Tháp Mười.
Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đã tiết kiệm được chi phí, như: mô hình lúa tiết kiệm 1,5-2,5 triệu đồng/ha; với mô hình rau, lượng phân bón vô cơ giảm từ 100-400kg/ha, năng suất tăng 5-20%,…, lợi nhuận cao hơn 2-7 triệu đồng/1.000m2 so với ngoài mô hình.
“Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là một lĩnh vực mới, không chỉ đầu tư nguồn vốn mà còn phải thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất mới. Những năm qua, các mô hình sản xuất này đã và đang ngày càng được nhân rộng với những tín hiệu khả quan, mang lại nhiều khởi sắc cho nông dân”, bà Khanh đánh giá.
Theo TRẦN CỬU LONG (Dân Việt)