Sóc Trăng: Cây dứa MD2 bén rễ trên vùng đất nhiễm phèn

14/06/2022 - 14:07

Ở những vùng đất canh tác kém hiệu quả, không ít người dân đã nhạy bén thay đổi cây trồng, vật nuôi để có mô hình làm ăn mới triển vọng hơn. Và thực tế tại xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), những ruộng mía, rừng tràm dần mất đi giá trị kinh tế vốn có trước kia đã được chuyển đổi sang cây dứa MD2, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ưu thế của cây dứa MD2 là sinh trưởng phù hợp vùng đất này, đặc biệt là đầu ra ổn định, vì có sự liên kết sản xuất và bao tiêu giữa nông dân và doanh nghiệp, giúp bà con yên tâm sản xuất hơn.

A A

Chuyển đổi cây trồng trên vùng đất nhiễm phèn

Thời gian gần đây, tình hình trồng mía gặp rất nhiều khó khăn, do giá mía thấp, trong khi đó, giá phân, thuốc tăng cao, nhất là tiền thuê nhân công thu hoạch ngày càng tăng nên đời sống nông dân trồng mía gặp rất nhiều khó khăn. Một phần người dân phải ban liếp xuống để làm lúa, một phần chuyển sang trồng tràm, số diện tích còn lại chấp nhận rủi ro tiếp tục bám trụ cây mía. Căn cứ vào nhu cầu, điều kiện phải chuyển đổi diện tích đất mới trên địa bàn xã theo ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Mỹ Tú và Đảng ủy xã Long Hưng, qua nghiên cứu các doanh nghiệp, công ty do huyện giới thiệu, UBND xã Long Hưng đã tích cực chủ động liên hệ và làm việc với Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây - West Food tại TP. Cần Thơ về điều kiện, cách thức liên kết bao tiêu cho dứa MD2. Qua trao đổi giữa hai bên, UBND xã Long Hưng xác định khả năng để thực hiện mô hình chuyển đổi rất cao. Vì vậy, UBND xã Long Hưng cùng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú tiến hành vận động một số hộ dân có nhu cầu chuyển đổi tham quan vùng nguyên liệu trồng dứa MD2 ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) và tham quan thực tế tại công ty. Sau chuyến đi tham quan thực tế này, Thường trực Đảng ủy, UBND xã Long Hưng nhận thấy điều kiện về tự nhiên, chính sách liên kết bao tiêu là phù hợp đối với địa phương nên tiến hành phân công cán bộ xây dựng dự án trồng dứa MD2 theo từng giai đoạn, diện tích cụ thể.

Hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình trồng dứa MD2. Ảnh: K.N

Theo đồng chí Nguyễn Văn Ngoan - Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng, trên cơ sở đó, UBND xã Long Hưng phân công cán bộ nông nghiệp, ban ngành, đoàn thể xã, ban nhân dân ấp tổ chức họp dân triển khai dự án, vận động nhân dân tham gia thí điểm ở ấp Mỹ Khánh B, xã Long Hưng. Ngoài ra, xã Long Hưng còn phối hợp với Công ty West Food tiến hành hội thảo cho tất cả cán bộ đoàn thể, ban nhân dân ấp, nông dân trồng mía và phát động người dân đăng ký tham gia dự án. Lập danh sách người dân đăng ký, gửi công ty phối hợp khảo sát về điều kiện tự nhiên, đất, nước, nguồn lao động... Qua vận động, có 4 hộ đăng ký trồng dứa MD2 vụ đầu tiên với diện tích 6,5 ha.

Triển vọng mở rộng diện tích trồng dứa MD2

Sau khi ký kết hợp đồng, Công ty West Food cung cấp giống, hướng dẫn giám sát kỹ thuật canh tác, thu mua toàn bộ quả và chồi với giá cố định theo từng hợp đồng và có quyền thu hồi toàn bộ giống đã đầu tư sau khi hết hợp đồng. Nông dân có nghĩa vụ chịu chi phí và canh tác theo đúng kỹ thuật, chuẩn bị đất, phân, thuốc, công chăm sóc, bán toàn bộ quả và chồi cho Công ty West Food theo giá đã ký hợp đồng và trả tiền cây giống cho công ty. Thu hoạch vụ đầu, nông dân chi trả tiền chồi cho công ty West Food là 65%; thu hoạch lần thứ 2, nông dân chi trả tiền chồi cho công ty West Food phần còn lại là 35%.

Ông Nguyễn Vũ Khanh, ngụ ấp Mỹ Khánh B, xã Long Hưng - 1 trong 4 hộ trồng dứa MD2 đầu tiên tại xã chia sẻ: “Vùng đất này xưa nay trồng mía, trồng tràm. Những năm gần đây giá cả thị trường bấp bênh, chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận ngày càng giảm, thậm chí có năm thua lỗ, không có đầu ra ổn định, từ đó cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Qua công tác tuyên tuyền của chính quyền địa phương và đi tham quan thực tế mô hình trồng dứa MD2 tại tỉnh Hậu Giang; được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, UBND xã Long Hưng và Công ty West Food về kinh phí chuyển đổi, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng và ký kết bao tiêu đầu ra, nên tôi mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình chuyển đổi dứa MD2 trên vùng đất mía, với diện tích 1ha. Qua 18 tháng trồng dứa MD2, đến nay đã thu hoạch vụ đầu tiên, cho thấy về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế đều đạt yêu cầu. Ước lợi nhuận vụ đầu khoảng 147 triệu đồng/ha/18 tháng trồng. So với cây mía, cây tràm, lợi nhuận cao hơn gấp 3 - 4 lần”.

Nguyễn Thanh Điền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú cho biết: “Cây dứa MD2 được trồng trên vùng đất Mỹ Tú phát triển nhanh, đẻ nhánh nhiều, cho quả to, bán được giá, mang lại thu nhập cao so với các loại cây trồng khác. Dự án trồng dứa MD2 được triển khai thành công đã tạo tiền đề cho việc mở rộng diện tích vùng dứa thương phẩm, làm phong phú cơ cấu cây trồng cho vùng trũng phèn xã Long Hưng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, góp phần thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ của các nông hộ; thúc đẩy hình thức sản xuất mang tính hợp tác liên kết một cách bền vững hơn. Vụ đầu tiên, toàn huyện hiện có 4 hộ đăng ký trồng dứa MD2, với diện tích 6,5ha và đang trong thời gian thu hoạch. Trước thắng lợi vụ đầu tiên này, có nhiều hộ nông dân trong khu vực tham gia đăng ký trồng dứa DM2 trong vụ tới. Hiện tại, huyện Mỹ Tú đang có chính sách hỗ trợ cho hộ dân tham gia chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng dứa MD2 là 15 triệu đồng/ha, phấu đấu quy hoạch vùng sản xuất 50ha vào cuối năm 2022”.

Nông dân đang thu hoạch dứa MD2. Ảnh: K.N

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng Phạm Lệ Lam, thời gian qua, tỉnh rất quan tâm và ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là sản xuất theo chuỗi giá trị có sự liên kết sản xuất, bao tiêu giữa doanh nghiệp với nông dân. Việc người dân trồng dứa MD2 ở xã Long Hưng đạt năng suất, có lãi cao và được doanh nghiệp đứng ra cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, đương nhiên tỉnh sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển và nghiên cứu việc mở rộng vùng nguyên liệu dứa MD2 trên vùng đất nhiễm phèn huyện Mỹ Tú, để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nông dân”.

Có thể nói, cây dứa MD2 là một trong nhiều loại cây phù hợp, có triển vọng, thêm hướng mở cho nông dân chọn để chuyển đổi từ vườn tạp, đất lúa ở vùng trũng, phèn kém hiệu quả, nhất là vùng mía ở huyện Mỹ Tú, nhằm tăng thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo Báo Sóc Trăng