Cuộc sống khấm khá nhờ chăn nuôi
Trong số các loại vật nuôi trên cạn, thường tại các vùng nông thôn người dân sẽ chọn nuôi gà, vịt, heo, trâu, bò… bởi đây là những con vật nuôi gần gũi với các gia đình, cung cấp nguồn thịt, sữa, trứng cho bữa ăn hàng ngày của gia đình và phù hợp điều kiện tự nhiên của hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong số đó, con bò là loài gia súc có giá trị kinh tế cao, nhẹ công chăm sóc, không tốn chi phí thức ăn. Còn dưới nước thì nuôi đa dạng các loài thủy sản, trong đó con tôm nước lợ là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, đem về nguồn thu nhập lớn cho hộ nuôi.
Để tìm hiểu về việc chăn nuôi của hộ dân trong những năm qua, chúng tôi tìm đến huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) trong buổi sáng đẹp trời và ghé thăm chuồng chăn nuôi bò của anh Lý Minh Tường, xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị, đúng lúc anh Tường chuẩn bị thức ăn cho đàn bò. Theo anh Tường, gia đình anh nuôi bò hàng chục năm qua, thời bấy giờ đời sống người dân tại địa phương còn nhiều khó khăn nên con bò đầu tiên gia đình có được là từ Dự án Sida hỗ trợ. Từ 1 con bò cái ban đầu, qua 2 năm nuôi, bò sinh sản bê con, cứ thế hàng năm bò sinh sản sẽ để dành bò cái giống nên số lượng bò tăng dần theo từng năm. Riêng với bò đực sinh sản, anh nuôi vỗ béo bán ra thị trường, nhờ đó thu nhập tăng đáng kể. Từ hộ nghèo, nhờ nuôi bò mà gia đình anh Tường đã vươn lên hộ khá, nhà cửa xây dựng khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng cần thiết cho gia đình. Hiện tại, đàn bò của gia đình anh có 8 con, 4 con sinh sản, 4 con đực nuôi bán thịt. Với 4 bò cái sinh sản, mỗi năm, anh bán được 4 bò thịt, thu về số tiền gần 100 triệu đồng nên đời sống gia đình ổn định.
Ông Ngô Công Luận, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) sau hàng chục năm nuôi tôm ao đất đã chuyển sang nuôi tôm bằng ao lót bạt và nuôi tôm ao nổi cho năng suất cao. Ảnh: TL
Cũng là hộ gắn bó chăn nuôi lâu năm tại huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), ông Ngô Công Luận, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ: “Khi mới bắt đầu nuôi tôm, hầu hết bà con tại địa phương và bản thân tôi nuôi theo hình thức tự nhiên là lấy nước ngoài sông vào ao rồi thả giống tôm, với mật độ thả nuôi thưa nên năng suất tôm thấp vì còn phụ thuộc yếu tố thời tiết. Theo từng năm nuôi tôm có kinh nghiệm, tôi chuyển sang hình thức nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh nên năng suất tôm tăng dần. Trong vài năm trở lại đây, tôi chuyển đổi nuôi tôm bằng ao đất sang ao lót bạt và nuôi tôm bể nổi, năng suất tôm tăng vượt bậc. Tính riêng 2 ao nổi nuôi tôm đã thu về số tiền hàng trăm triệu đồng/năm, góp phần giúp gia đình tôi có cuộc sống đủ đầy…”.
Chăn nuôi phát triển vượt bậc
Thông qua chăn nuôi, đời sống người dân trên địa bàn huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) phát triển rõ nét, đặc biệt là vào khoảng năm 2003, đàn bò của huyện khoảng 60 con, đã phát triển đến thời điểm hiện tại hơn 7.000 con bò. "Từ phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa giúp cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giàu, huyện còn phát triển đàn gia cầm, nuôi heo và nuôi cá đồng trên ruộng với diện tích hàng năm khoảng 70ha, cùng với đó có khoảng 11 nhà nuôi chim yến tại huyện" - đồng chí Nguyễn Thanh Điền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú thông tin.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, vào năm 1992, việc chăn nuôi gia súc chủ yếu dùng làm sức kéo và cung ứng nguồn thịt phục vụ người tiêu dùng nên đàn trâu trên địa bàn tỉnh có số lượng khá lớn, khoảng 23.022 con, đàn bò 5.227 con, đàn heo gần 160.000 con và đàn gia cầm hơn 1,7 triệu con. Riêng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 19.700ha, trong đó tôm nuôi nước lợ hơn 16.000ha, còn lại là nuôi thủy sản nước lợ và các thủy sản khác.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng Trương Văn Đúng, lĩnh vực chăn nuôi từ những năm đầu mới chia tách tỉnh (năm 1992) chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ tại hộ gia đình. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, những năm qua chăn nuôi đã phát triển khá toàn diện. Qua số liệu thống kê (năm 2021) cho thấy, đàn gia súc của tỉnh ước đạt 359.960 con, trong đó đàn bò 53.500 con, đàn heo 294.220 con và đàn gia cầm 6,9 triệu con, tăng gấp nhiều lần so với năm 1992. Đồng thời, tỉnh có 84 trang trại chăn nuôi heo, bò, gia cầm (28 trang trại quy mô lớn, 44 trang trại nuôi gia công và có 7 mô hình chăn nuôi được chứng nhận VietGAP) và tỉnh có khoảng 690 nhà nuôi chim yến.
Riêng diện tích thả nuôi thủy sản của tỉnh là 76.530ha, trong đó diện tích tôm nước lợ là 53.000ha. Bên cạnh đó, tỉnh có khoảng 13 công ty chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu và có 38 doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu nội địa và cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản khác, tạo điều kiện tiêu thụ tốt thủy sản của người nuôi sau thu hoạch. Để chăn nuôi bò phát triển hơn nữa, Sóc Trăng tiếp tục triển khai Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030…
Theo Báo Sóc Trăng