Đến nay, 2 nước nuôi tôm vùng xích đạo là Ecuador và Indonesia đã thu hoạch vụ đầu năm, nhưng theo ông Hồ Quốc Lực, chúng ta vẫn không biết kết quả của họ ra sao, trong khi tháng 7 tới đây, tôm Ấn Độ vào vụ, bức tranh tôm thế giới càng thêm phức tạp. Đó là cung cầu thế giới, còn chúng ta, đến nay thả giống vụ chính được bao nhiêu diện tích; mức tiêu thụ tôm giống ra sao; diễn tiến vụ nuôi như thế nào; tỷ lệ trúng, thất ra sao vẫn khó mà trả lời chính xác… Ông Lực chia sẻ: “Rất nhiều biến số cần có thông tin cập nhật để các doanh nghiệp chế biến biết nhằm có sách lược bán hàng phù hợp. Và tương tự, người nuôi cũng cần thông tin, nếu tích cực, họ mới an tâm thả nuôi tiếp vụ hai, nếu không, quý IV tới đây các doanh nghiệp chế biến sẽ thiếu hụt nguyên liệu”.
Cả người nuôi tôm lẫn doanh nghiệp đều thiếu thông tin chính xác để cập nhật nhằm đưa ra cách ứng xử phù hợp và hiệu quả nhất. Ảnh: TÍCH CHU
Liên quan đến tầm quan trọng của thông tin, theo ông Đỗ Công Thành - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau (CASES), công tác cập nhật, tổng hợp thông tin để đưa ra dự báo luôn là một trong những vấn đề rất quan trọng và mang tính sống còn với ngành tôm. Chính vì vậy, ông Thành đề nghị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ngoài những thông tin về tình hình trong nước, cần cập nhật thêm các thông tin về tình hình của các nước đối thủ như giá cả, sản lượng nuôi, xuất khẩu của Ấn Độ, Ecuador, Indonesia… cũng như cập nhật diễn biến của các thị trường nhập khẩu như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Australia… cho doanh nghiệp.
Do thiếu thông tin chính xác về tình hình cung cầu tôm thế giới, nên các doanh nghiệp phải góp nhặt, kể cả thông tin vụn vặt, sau đó tổng hợp lại nhằm có đối sách phù hợp với tình hình. Cách làm này, theo ông Lực có thể chưa toàn diện và có điểm chưa hoàn toàn chính xác, nhưng dẫu sao “có còn hơn là đánh võ mù”. Từ cách làm trên, để lý giải vì sao tình hình tiêu thụ đến cuối quý II chưa có dấu hiệu khởi sắc về sức mua lẫn giá cả, ông Lực cho biết có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất là, lạm phát suy thoái toàn cầu khiến người tiêu dùng hạn chế mua sắm, các thị trường vẫn tồn kho. Thứ hai là, các nước thu hoạch tôm sớm như Ecuador và Indonesia có sản lượng tôm nuôi trúng khá chẳng những về lượng mà kích cỡ tôm lớn khá nhiều. Ông Lực chia sẻ: “Các nước trên họ cung ứng tôm với giá rẻ hơn tôm chúng ta từ 1 - 2 USD/kg, khiến việc tìm đơn hàng của các doanh nghiệp tôm chúng ta khó khăn. Điều này, lý giải vì sao 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu tôm chúng ta thấp hơn khoảng 30% so cùng kỳ năm trước, trong khi tôm Ecuador dự kiến tăng trưởng 20%”.
Để minh chứng thêm cho những khó khăn của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thông tin cung cầu tôm thế giới, ông Lực dẫn lại từ câu chuyện chào giá tôm của Indonesia để từ đó có thể ít nhiều biết được tình hình nuôi tôm của nước này. Theo lời kể của ông Lực, vào trung tuần tháng 3 vừa qua, ở Hội chợ Thủy sản Quốc tế Boston, Hoa Kỳ, các nhà phân phối lớn ở đây đều cho biết họ tồn kho nhiều và phải giảm giá mạnh bán để quay vòng kho. Lúc đó Indonesia khởi đầu thu hoạch và họ chào bán tôm RPTO 16/20 chỉ 4 USD/pound khiến mọi người giật mình, nhất là doanh nghiệp tôm Việt Nam. Bởi với giá chào đó, tôm thương phẩm 30 con/kg tính ra chỉ có giá 100.000 đồng/kg, trong lúc đó, giá ở miền Tây là 150.000 đồng/kg. Tháng 5 này, Indonesia tiếp tục chào tôm EZ 13/15 giá cũng chỉ có 4,4 USD/pound. Từ thông tin trên, ông Lực phân tích: “Qua một bảng chào giá của Indonesia cho thấy họ cũng đang gặp khó ở đầu ra và thứ hai là chứng tỏ họ nuôi tôm lớn 20 - 25 con khá nhiều và giá bán quá rẻ”.
Không chỉ gặp khó trong việc tìm kiếm thông tin cung cầu thế giới mà ngay tình hình mùa vụ trong nước, doanh nghiệp cũng chưa biết rõ để dám ký kết những đơn hàng kịp lúc. Ông Lực nêu ví dụ: “Như ở tháng 3, ta có thể ký bán tôm 30 con/kg giá 120.000 đồng/kg nhưng giá trong nước là 150.000 đồng/kg làm sao dám ký bán. Kéo dài, mất cơ hội, nay buộc lòng bán theo giá mặt bằng chung nên giá tôm thương phẩm 30 con trong nước hiện nay về mức xoay quanh chỉ 110.000 đồng/kg”! Năm nay, thông tin khái quát tôm nuôi vụ chính bị thiệt hại không ít, hao hụt đầu con và chậm lớn, nhất là vùng nuôi gần biển có độ mặn cao nên ít tôm cỡ lớn khiến giá thành tôm nuôi càng cao trong khi giá bán lại thấp hơn một cách thất thường. Người nuôi tôm mỏi mòn tìm một phép mầu trúng mùa, trúng giá nay hoàn toàn ngược lại, thất mùa, thất giá, khó chồng khó. Ông Lực đặt câu hỏi: “Tình hình nuôi năm sau sẽ ra sao khi người nuôi ngày càng cạn kiệt nguồn lực?”.
Vụ tôm nước lợ năm 2023 vẫn còn thời gian khá dài và phần lớn rơi vào cao điểm chế biến, xuất khẩu, nên chắc chắn giá tôm ít nhiều sẽ được cải thiện, nhưng câu hỏi của ông Lực rất đáng để quan tâm, suy ngẫm, nhằm sớm có định hướng, giải pháp đúng đắn và hiệu quả, giúp ngành tôm nhanh chóng lấy lại đà tăng tốc mạnh mẽ ngay từ vụ nuôi năm sau.
Theo TÍCH CHU (Báo Sóc Trăng)