Sau 1 năm triển khai mô hình tưới phun tự động cho vườn bưởi năm roi và bưởi da xanh rộng hơn 4ha, anh Ông Minh Thường ở ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Phát đã tiết kiệm được thời gian, công sức chăm sóc, vừa giảm được đáng kể tiền điện chi cho bơm tưới, nhân công. “Từ khi áp dụng lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, cài đặt phần mềm điều khiển trên điện thoại, cứ đến giờ là hệ thống tưới nước tự khởi động, sau khi tưới đủ nước thì sẽ tự động ngắt. Năm 2022, được địa phương hỗ trợ kinh phí lắp đặt mô hình tưới phun trên 1ha trồng bưởi, nhận thấy hiệu quả của mô hình tưới phun này, tôi quyết định bỏ thêm chi phí, lắp thiết bị trên toàn bộ diện tích vườn còn lại. Hiện công việc chăm sóc vườn bưởi nhẹ nhàng hơn rất nhiều mà lại hiệu quả, mỗi tháng giảm hơn chục triệu đồng chi phí cho việc phun tưới” - anh Thường chia sẻ.
Anh Ông Minh Thường - thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Phát, ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) giới thiệu mô hình tưới phun tự động cho vườn bưởi. Ảnh: XUÂN NGUYÊN
Mô hình nói trên là 1 trong số 11 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ ở lĩnh vực nông nghiệp triển khai từ năm 2022 ở huyện Cù Lao Dung được hỗ trợ một phần chi phí từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ, nông nghiệp của địa phương. Hiện tại, các mô hình như: nuôi cua biển sinh thái, nuôi tôm sú quảng canh gắn với phát triển du lịch, mô hình nuôi cá thòi lòi tại xã An Thạnh Nam, mô hình ủ phân hữu cơ kết hợp trồng rau an toàn… đều hiệu quả, phát triển tốt.
Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cù Lao Dung, trước đó, triển khai Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025”, huyện Cù Lao Dung đã triển khai 1 dự án cấp quốc gia và triển khai 10 đề tài, dự án cấp tỉnh liên quan đến các lĩnh vực như: nuôi trồng thủy sản, ứng phó biến đổi khí hậu, sản xuất các chế phẩm sinh học, trồng cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái... Các dự án triển khai, ghi nhận đạt được nhiều kết quả tích cực, đơn cử như Dự án "Khảo sát, đánh giá trữ lượng và thời điểm xuất hiện nguồn nghêu giống ở vùng ven bờ biển Sóc Trăng", qua đó đề xuất được một số nhóm giải pháp khai thác có hiệu quả, bảo tồn và phát triển nguồn nghêu giống; hiện trạng và đề xuất được một số nhóm giải pháp nhằm phát triển khu vực ven biển huyện Cù Lao Dung hay Dự án “Sản xuất thử nghiệm tinh dầu sả chanh tại Hợp tác xã Nông nghiệp An Phú Hưng” đã giúp hợp tác xã sản xuất được sản phẩm tinh dầu sả chanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã và tăng thu nhập cho người trồng sả chanh, góp phần phát triển kinh tế của địa phương; Dự án “Hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi thủy sản” đã góp phần nâng cao hiệu quả cho người nuôi tôm...
Các sản phẩm đạt OCOP của huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ảnh: XUÂN NGUYÊN
Trên địa bàn huyện có nhiều mô hình sản xuất ứng dụng khoa học và công nghệ được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh “tiếp sức”. Như Hợp tác xã Nông nghiệp An Phát ở xã An Thạnh 1 triển khai ứng dụng mô hình hệ thống tưới nước thông minh trên 1ha diện tích trồng xoài. Sử dụng hệ thống tưới thông minh, giúp hợp tác xã tiết kiệm chi phí thuê mướn nhân công, đồng thời trực tiếp giám sát về môi trường đất thông qua các cảm biến đo lường cho kết quả nhanh và chính xác, giúp cho việc tưới tiêu cây trồng hiệu quả hơn. Ngoài ra, hệ thống còn giúp nắm bắt được các thông số bất lợi của đất như độ mặn, độ pH, từ đó hợp tác xã có giải pháp xử lý, không ảnh hưởng đến cây trồng và chất lượng của nông sản.
Bên cạnh việc triển khai các mô hình, đề tài, dự án, hoạt động khoa học và công nghệ của huyện còn thực hiện nhiều nội dung khác như: khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2015, phát triển các sản phẩm đặc trưng. Hiện nay, địa phương có 11 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên như: bưởi da xanh Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Phát, tinh dầu sả chanh Hợp tác xã Nông nghiệp An Phú Hưng, mật ong Sáu Phương, nước cốt bần Hồng Ngọc...
“Cù Lao Dung luôn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, hoạt động khoa học và công nghệ. Trong năm 2023, huyện sẽ tăng cường các hoạt động hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, thông tin tuyên truyền về khoa học và công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và chuyển giao nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, đồng thời quan tâm lựa chọn các kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu để ứng dụng tại địa phương. Mong muốn của huyện trong thời gian tới là được hỗ trợ triển khai các mô hình nuôi lươn không bùn, sản xuất xoài chiên giòn, mô hình máy đóng chai, nước mía và nước dừa đóng lon, xây dựng nhãn hiệu mai xù”, - đồng chí Lê Minh Đương - Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung chia sẻ.
Đầu tháng 5 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng định hướng hỗ trợ Cù Lao Dung chuyển giao các quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi tôm, quy trình trồng rau an toàn hướng tới hình thành vùng trồng rau tại huyện, cung cấp cho thị trường Côn Đảo, hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất các sản phẩm từ tinh dầu sả chanh. Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh về việc ký kết hợp tác với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để cùng hợp tác, phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh, trong đó sẽ có lựa chọn triển khai tại huyện Cù Lao Dung những vấn đề phù hợp. Theo Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng, hiện có 9 dự án, đề tài đã được đánh giá kết quả thực hiện đạt hiệu quả đã và đang triển khai ở các địa phương khác có khả năng ứng dụng tại huyện Cù Lao Dung.
Theo XUÂN NGUYÊN (Báo Sóc Trăng)