Sóc Trăng: “Dân vận khéo” trong đồng bào dân tộc, tôn giáo

28/02/2023 - 14:08

Trong năm 2022, hệ thống dân vận các cấp của tỉnh Sóc Trăng đã tập trung phối hợp thực hiện các phong trào thi đua “Dân vận khéo”, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng.

Theo đồng chí Phan Văn Sáu - Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, trên cơ sở quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về tầm quan trọng công tác dân vận của Đảng, các cấp ủy, chính quyền đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, nâng cao nhận thức sâu sắc trong toàn thể hệ thống chính trị. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã trở thành nội dung quan trọng được lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch của địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân chủ động thực hiện thông qua việc hiến đất, ủng hộ tiền, đóng góp ngày công lao động để xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình phúc lợi xã hội tại xóm, ấp; chỉnh trang nhà ở khang trang; tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương... Nhờ sự đóng góp này mà tỉnh có thêm nguồn lực xây dựng được 9 cây cầu, 1 lộ giao thông nông thôn; có 22.500m2 đất để xây dựng trường học; đóng góp 6.102 ngày công lao động để nạo vét kênh thủy lợi, phát quang lộ giao thông, trồng cây xanh, chỉnh trang đô thị với số tiền gần 30 tỷ đồng.

Công tác dân vận được thực hiện thường xuyên, thông qua thăm hỏi, động viên các tổ chức tôn giáo nhân dịp lễ, Tết. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Một trong những nét nổi bật trong công tác dân vận năm 2022 là ban dân vận các cấp phối hợp với mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhất là trong vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo. Theo đó, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có mô hình “Cơ sở thờ tự tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu” tại chùa Bâng Tone Sa, xã Viên An và nhà thờ Ngan Rô, xã Đại Ân 2; mô hình “Bếp ăn tình thương” tại chùa Hội Phước, xã Lịch Hội Thượng. Tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), thông qua công tác dân vận đã xây dựng mô hình “Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự” tại chùa Trà Sết, xã Vĩnh Hải và chùa Soài Côn, phường 2. Huyện Long Phú (Sóc Trăng) có mô hình “Sư sãi và phật tử tham gia phòng, chống tội phạm” tại chùa Tưk Pray, thị trấn Long Phú; mô hình “Xóm đạo tự quản” ở thị trấn Đại Ngãi và xã Tân Thạnh… Bên cạnh đó, thông qua công tác dân vận, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cũng tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào dân tộc, tôn giáo, góp phần củng cố niềm tin và an tâm sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào dân tộc, tôn giáo.

Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vận động tổ chức tôn giáo đóng góp xây dựng các phòng học tại chùa để dạy chữ Khmer, Pali, giáo lý cho học sinh, sư sãi. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Trong thực hiện công tác dân vận, ban dân vận các cấp thường xuyên quan tâm xây dựng lực lượng cốt cán trong tôn giáo gồm chức sắc, chức việc và đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên là người có đạo. Tính đến nay, toàn tỉnh có 3.826 người là lực lượng cốt cán, trong đó cốt cán đặc thù 824 người (các sở, ngành và lực lượng vũ trang tỉnh xây dựng 497 người; các huyện, thị xã và thành phố xây dựng 327 người), cốt cán phong trào 3.002 người (các sở, ngành và lực lượng vũ trang tỉnh xây dựng 1.343 người; các huyện, thị xã và thành phố xây dựng 1.659 người). Lực lượng cốt cán trong tôn giáo đã có những đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo, tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ quần chúng nhân dân và những vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Đồng thời, tích cực phối hợp với chính quyền nắm tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc, tôn giáo để phản ánh cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các nhu cầu hợp pháp, chính đáng theo quy định, qua đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Có thể thấy, với vai trò nòng cốt, hệ thống dân vận của tỉnh đã tham mưu cấp ủy triển khai các nghị quyết, chủ trương của Đảng về công tác dân vận, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, sáng tạo, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo Báo Sóc Trăng