Thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực. Bước đầu triển khai đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho người dân và cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.
Chuyển đổi số gắn với đô thị thông minh
Chuyển đổi số chính là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và thực sự cấp thiết, mang lại nhiều lợi ích cho chính quyền, doanh nghiệp và cuộc sống…
Tại TP. Sóc Trăng, việc xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (Trung tâm IOC) được xem là một trong những công trình trọng điểm, trọng yếu, có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trung tâm IOC với mục tiêu nhằm cung cấp cho lãnh đạo góc nhìn toàn diện về các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn thành phố đã được tích hợp với các hệ thống thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đảm bảo tính chân thực, chính xác, minh bạch; tạo sự tương tác trực tuyến giữa người dân - doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Trung tâm này có chức năng tích hợp, phân tích các thông tin dữ liệu sẵn có, bao gồm 11 phân hệ: Phản ánh hiện trường, Sổ đảng viên, Kinh tế - Xã hội, Dịch vụ công, Y tế, Giáo dục, Tư pháp, Phần mềm giám sát thông tin trực tuyến, Hệ thống camera giám sát môi trường, Hệ thống camera giao thông và Hệ thống camera AI (nhận diện khuôn mặt), trong đó, phân hệ Hệ thống camera giao thông đi vào vận hành giúp cơ quan chức năng xử lý những trường hợp vi phạm trật tự giao thông trên địa bàn TP. Sóc Trăng.
Trung tâm Giám sát điều hành của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: QUỐC KHA
Chia sẻ thêm về hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số, đồng chí Châu Kiến Tường - Phó Chủ tịch UBND TP. Sóc Trăng cho biết, hiện nay thành phố đã chuyển sang sử dụng tài liệu phục vụ cuộc họp dưới hình thức tài liệu điện tử thay thế cho tài liệu giấy thông qua quét mã QR, giúp tiết kiệm văn phòng phẩm và thuận tiện cho người xem. Ngoài ra, hệ thống hội nghị trực tuyến gồm 1 điểm cầu ở Thành ủy, 1 điểm cầu tại UBND thành phố và 10 điểm cầu tại UBND của 10 phường đã giúp việc tổ chức các hội nghị, cuộc họp thuận tiện, góp phần giúp lãnh đạo thành phố chỉ đạo các địa phương nhanh chóng, kịp thời. Các phòng, ban ngành của thành phố cũng thực hiện phát hành, chuyển văn bản trên hệ thống quản lý điều hành văn bản đạt tỷ lệ trên 90%, tỷ lệ ký số văn bản đạt 80%.
Là một trong những đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số vào công tác chuyên môn, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thanh TP. Sóc Trăng đã và đang ứng dụng hiệu quả hệ thống truyền thanh thông minh để chuyển đổi số trên lĩnh vực truyền thanh nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhân dân và nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Theo đồng chí Phan Đoàn Nguyên Bảo - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thanh TP. Sóc Trăng, thay vì phát thanh thông qua sóng FM, hệ thống truyền thanh thông minh thế hệ mới sử dụng công nghệ IP để truyền và nhận bản tin phát thanh qua mạng internet, sóng 3G/4G. Với hệ thống này, đài truyền thanh được tích hợp với hệ thống cũ để hoạt động song song, giúp lưu trữ và quản lý tốt các nội dung đã phát, điều khiển hoàn toàn trên máy tính, thiết bị di động, giúp phổ biến, tuyên truyền thông tin dễ dàng, nhanh gọn. Các cấp có thẩm quyền dễ dàng kiểm soát thông tin, quản lý chương trình, lịch phát thanh với độ bảo mật cao. Việc phát các bản tin linh hoạt, có thể lựa chọn phát tin tới từng cụm loa hoặc từng khu vực, lịch phát thanh được đặt theo giờ, ngày hoặc tuần. Đặc biệt, nhờ tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo nên có thể chuyển văn bản sang giọng nói tự động để phát ra hệ thống loa mà không cần phát thanh viên thu âm…
Việc áp dụng hệ thống truyền thanh thông minh tại cấp phường cũng phát huy hiệu quả rõ rệt. Sau khi tiếp nhận và vận hành thiết bị công nghệ mới đã hỗ trợ rất nhiều cho công chức văn hóa xã hội của phường được phân công phụ trách đài. Thông qua các tính năng thông minh của thiết bị, khối lượng công việc của đài phường được giảm tải rất rõ, chất lượng công tác tuyên truyền được nâng lên.
Chuyển đổi số trên 3 trụ cột
Là huyện điểm chuyển đổi số, trong thời gian qua Trần Đề đã triển khai thực hiện có hiệu quả trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong hoạt động chính quyền số, hiện tại, dữ liệu của huyện được kết nối tích hợp dữ liệu của tỉnh, đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng tập trung, phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Các hoạt động hội nghị, các cuộc họp trực tuyến hiện được triển khai ổn định từ tỉnh đến các xã, thị trấn. 100% bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện và các xã, thị trấn được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ cho giải quyết thủ tục hành chính; 100% văn bản đi - đến được chuyển trên môi trường mạng; 100% lãnh đạo cấp phòng trở lên và lãnh đạo các xã, thị trấn được cấp và sử dụng chữ ký số trong chỉ đạo, điều hành. Huyện ứng dụng có hiệu quả các phần mềm dùng chung với cấp tỉnh.
Đoàn viên, thanh niên huyện Trần Đề (Sóc Trăng) hướng dẫn người dân áp dụng thanh toán thông qua mã QR từ phần mềm Viettel money và VNPT money. Ảnh: C.B
Về kinh tế số, huyện đã hoàn thành các quy định trong lĩnh vực kinh tế số trên địa bàn huyện nhằm tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử. Về cơ bản các doanh nghiệp đã biết ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh như: xây dựng trang thông tin điện tử, sử dụng phần mềm xác lập quy trình sản xuất, quản lý khách hành, quản lý nguyên liệu, quản lý tài chính kế toán và ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử.
Về xã hội số, triển khai công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, như: truy cập và sử dụng internet, khai thác thông tin trên trang thông tin điện tử, sử dụng thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, bảo đảm an toàn thông tin cá nhân khi giao dịch trên mạng… Đặc biệt, không sử dụng tiền mặt, người dân khi đến chợ mua hàng thông qua việc thanh toán bằng mã QR. Đây là cách thức được huyện áp dụng thí điểm tại chợ trung tâm thị trấn Lịch Hội Thượng, mô hình được sự tham gia, hưởng ứng tích cực từ người dân. Theo ông Khưu Thạnh ở thị trấn Lịch Hội Thượng, việc sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR tại các cửa hàng buôn bán khi thanh toán chi phí rất tiện lợi. Trong trường hợp không đem theo tiền mặt người dân vẫn mua được hàng hóa nếu mang theo điện thoại, mô hình này cần được nhân rộng hơn để sau này nhiều người đi chợ cũng không cần phải mang theo nhiều tiền mặt.
Đồng chí Thạch Hồ Xuân Thanh - Chủ tịch UBND thị trấn Lịch Hội Thượng cho biết, thị trấn Lịch Hội Thượng đang triển khai việc thanh toán không sử dụng tiền mặt, hiện nay có trên 50 cơ sở dịch vụ mua bán đang áp dụng thanh toán thông qua mã QR từ phần mềm Viettel money và VNPT money. Bên cạnh đó, thị trấn triển khai được 32 mắt camera lắp ở khu vực các tuyến đường phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn, quản lý thông qua hệ thống định vị của Công an thị trấn đặt tại cơ quan Công an thị trấn. Hiện nay, thị trấn Lịch Hội Thượng cũng đang tiếp tục vận động xã hội hóa để gắn thêm camera, trưng dụng camera của người dân để quản lý, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng cho rằng, chuyển đổi số là nhiệm vụ mới, khó khăn, nhưng không thể không làm, các cấp, các ngành phải xem nhiệm vụ chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc yêu cầu các ngành chia sẻ, thực hiện nhiệm vụ với Sở Thông tin và Truyền thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và doanh nghiệp; Sở Thông tin và Truyền thông tiếp thu các ý kiến của các thành viên ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh để bổ sung vào phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 và sớm tham mưu cho Ban chỉ đạo trình đề án về chuyển đổi số…
Những kết quả bước đầu trong chuyển đổi số đã từng bước đem lại nhiều tiện ích cho người dân và cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, để thực hiện thành công chuyển đổi số, cần sự quyết tâm, đồng hành của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội. Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cùng với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh sẽ từng bước đi vào chiều sâu, ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.
Theo Báo Sóc Trăng