Bà con nông dân tại các địa phương chuyên trồng hành tím TX. Vĩnh Châu đang tích cực chăm sóc hành tím sớm phục vụ thị trường tết Nguyên đán năm 2022. Ảnh: THÚY LIỄU
So với cùng kỳ năm trước, vụ hành sớm năm nay bà con nông dân xuống giống sớm hơn khoảng 20 ngày. Sở dĩ việc xuống giống sớm là do thời tiết thuận lợi, vào tháng 8, tháng 9 ít mưa nên nông dân tranh thủ xuống giống hành. Năm nay, nhân công tại các địa phương nhiều hơn các năm, giá hành tím thấp nên nhiều hộ dự trữ lại để trồng trong vụ hành sớm. Người dân xuống giống hành tím sớm còn làm giảm áp lực cho vụ hành chính vụ, nhằm giải quyết tốt đầu ra sau thu hoạch.
Để giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận, sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho nhiều thị trường khác nhau, kéo dài thời gian bảo quản hành tím, kể từ năm 2017 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng đã triển khai thực hiện các mô hình sản xuất hành tím an toàn, theo hướng hữu cơ sinh học với diện tích khoảng 1.000ha/vụ hành. Theo thống kê, hành tím sớm vụ Tết Nguyên đán 2022 đã xuống giống khoảng 1.200ha, tập trung tại các xã: Vĩnh Hải, Lạc Hòa, Vĩnh Hiệp (trồng trên bờ bao nuôi tôm) và Phường 2, TX. Vĩnh Châu, trong đó hơn 40% trồng hành tím theo hướng hữu cơ.
Việc triển khai mô hình trồng hành tím an toàn, theo hướng hữu cơ sinh học nhằm giảm bớt chi phí đầu tư trồng hành cho nông dân, nhất là trong thời điểm giá phân bón hóa học tăng cao như hiện nay và đảm bảo khâu đầu ra cho hành tím (khi sản phẩm an toàn sẽ vào được nhiều thị trường khác nhau). Thấy được lợi ích trên, trong nhiều năm qua, nông dân trồng hành tím tại các địa phương trên địa bàn TX. Vĩnh Châu vẫn duy trì diện tích trồng hành theo mô hình này. Bởi trồng hành tím theo hướng hữu cơ sinh học sử dụng phần lớn phân hữu cơ, hạn chế tối đa dùng phân hóa học, giảm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, trồng hành tím theo mô hình này chỉ sử dụng thuốc sinh học trong phòng trừ sâu hại, giúp hạn chế kháng thuốc và bộc phát của các đối tượng dịch hại, giảm số lần phun thuốc hóa học từ 2 - 4 lần/vụ, góp phần bảo vệ môi trường và cải tạo đất trồng đang có nguy cơ bị bạc màu do lạm dụng chất hóa học. Qua đó, chất lượng củ hành tím nâng lên như: màu sắc đẹp, củ hành to, đồng đều, bảo quản được lâu, khách hàng ưa chuộng, bán được giá tốt hơn trong dịp tết Nguyên đán.
Theo Phó trưởng Phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh) Ngô Vương Ngọc Bảo Trân, để đảm bảo năng suất vụ hành sớm phục vụ thị trường tết Nguyên đán năm 2022, ngoài khâu chọn giống hành tím, cần trồng hành khoảng cách hợp lý, đất trồng hành phải cao để ruộng hành dễ thoát nước khi gặp mưa nhiều và liên tục. Bên cạnh đó, cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ để góp phần cải tạo đất, giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng củ hành tím và tùy điều kiện đất đai, khả năng sinh trưởng và phát triển của hành, có thể tăng, giảm lượng phân bón phù hợp. Đồng thời, quan tâm theo dõi một số đối tượng bệnh hại trên hành như: bệnh thối củ do vi khuẩn, bệnh đốm vòng, bệnh do héo vàng. Do vậy, khi mưa, bão xuất hiện, bà con trồng hành cần phun ngừa thuốc trừ bệnh do nấm và vi khuẩn, kết hợp phun Comcat giúp rễ hành phát triển. Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, phòng trừ các đối tượng dịch hại, để sử dụng thuốc có hiệu quả nên luân phiên các loại thuốc có hoạt chất khác nhau (khi phun thuốc chỉ hỗn hợp tối đa 2 loại thuốc) nhằm tăng hiệu quả sử dụng thuốc.
Theo THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng)