Từng là ấp có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện nhưng đến nay ấp Trung Thống, xã Tuân Tức chỉ còn 45 hộ nghèo/tổng số 306 hộ. Ngày nay muốn đến ấp Trung Thống rất dễ, bởi các con đường đất ngày nào đã được bêtông hóa, tạo thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất của người dân. Cuộc sống khấm khá, nhiều hộ xây dựng nhà cửa khang trang, làm cho bộ mặt vùng quê thay đổi hẳn.
Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Lý Nhiêm, hộ vừa thoát nghèo trong năm 2018. Theo vợ chồng ông Nhiêm, con cái đông nhưng gia đình chỉ có hơn công đất ruộng, miếng cơm manh áo trông chờ vào tiền làm thuê, cuộc sống rất vất vả. Rồi Nhà nước đầu tư xây cầu, múc kênh thủy lợi, dạy nghề cho lao động nông thôn… Cũng nhờ được dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm mà các con ông đi làm công nhân các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai mang lại thu nhập ổn định. Thấy nhà cửa xuống cấp, các con góp tiền xây cho vợ chồng ông căn nhà tường hơn 100 triệu đồng để ở, chăm sóc, đưa đón các cháu đi học. Thời gian rảnh ông cắt cỏ nuôi bò và trồng lúa, cuộc sống giờ khấm khá hơn xưa nhiều.
Vợ chồng ông Thạch Ban chia sẻ niềm vui với cán bộ xã trong ngôi nhà được Nhà nước hỗ trợ.
Cùng niềm vui thoát nghèo với ông Lý Nhiêm là gia đình ông Thạch Ban ở ấp Trung Thành. Gia đình chỉ có 2 con nhưng hộ ông Ban nằm trong diện nghèo dài hạn, vì không đất đai sản xuất. Khi con cái đến tuổi lao động cộng với nghị lực của bản thân cùng sự hỗ trợ kịp thời, tập trung nguồn lực của chính quyền địa phương, gia đình ông Ban thoát nghèo bền vững. Không chỉ được vay vốn xây dựng nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gia đình ông còn được hỗ trợ vốn nuôi bò sinh sản, sau hơn 1 năm, gia đình có thêm 1 con bê đực.
Niềm vui thoát cảnh nghèo như được nhân đôi khi đứa con gái lớn yên bề gia thất. Vợ chồng ông Ban bộc bạch: “Lúc Nhà nước cho vay ưu đãi 25 triệu đồng mừng lắm, gia đình nhờ anh em hỗ trợ góp vào xây dựng căn nhà trị giá 180 triệu đồng. Người ta bảo an cư thì lạc nghiệp, nên cố gắng làm cho kiên cố để ở lâu dài”. Có chỗ ở ổn định, hàng ngày ông Ban ở nhà trồng cỏ, chăm bò, vợ thì đi làm lò sấy, cố gắng tích cóp để dành tiền cưới vợ cho đứa con út và an dưỡng tuổi già.
Theo đồng chí Đồng Vũ Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Tuân Tức, là địa phương có trên 67% đồng bào Khmer, xã quan tâm thực hiện tốt chính sách dân tộc. Thông qua các chương trình, dự án, nhất là Chương trình 135 giai đoạn III, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng của xã được cải thiện rõ nét, lộ giao thông nông thôn ấp liền ấp, trường, trạm, chợ đáp ứng nhu cầu của người dân. Đặc biệt, xã thực hiện hỗ trợ hộ nghèo theo hướng tập trung nguồn vốn (hỗ trợ từ nhiều nguồn lực thông qua các chương trình, dự án) đối với các hộ chí thú làm ăn, tạo điều kiện cho bà con thoát nghèo bền vững. Hiện toàn xã chỉ còn 294 hộ nghèo, chiếm 13% tổng số hộ toàn xã; 99,42% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; 90,88% hộ có điện sử dụng và 98,55% người dân có bảo hiểm y tế.
Hàng năm, xã còn phối hợp với các ngành huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con áp dụng trong trồng lúa, màu, chăn nuôi; thành lập và vận động bà con tham gia các tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã để nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, tạo đầu ra ổn định cho nông sản.
Nhân dịp Tết Nguyên đán, UBND xã đều tổ chức mời công nhân lao động đi làm ăn xa họp mặt, qua đó tìm hiểu, nắm tình hình việc làm, thu nhập để làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp hơn. Còn đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ neo đơn, bệnh tật… địa phương đều tổ chức cấp phát quà nhân các dịp lễ, tết để không ai bị bỏ lại phía sau. Từ đó bà con ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước.
Cùng với sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư kịp thời, đồng bộ của Đảng, Nhà nước và ý thức tự vươn lên, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer xã Tuân Tức đã và đang đổi thay từng ngày. Thời gian tới, Tuân Tức sẽ phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân tộc, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước… trước hết là cải thiện cuộc sống, thu nhập cho gia đình, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Báo Sóc Trăng