Sóc Trăng: Đồng hành cùng người khuyết tật

18/04/2023 - 15:15

Người khuyết tật rất cần sự quan tâm, chăm sóc của người thân, sự sẻ chia của cộng đồng. Đôi khi chỉ cần cái nhìn đồng cảm, cái nắm tay yêu thương, hay lời động viên, khen ngợi… phần nào cũng làm vơi đi sự bất hạnh, truyền đến người khiếm khuyết trên cơ thể năng lượng tích cực, lạc quan. Và những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã đồng hành cùng người khuyết tật, tạo chỗ dựa vững chắc để họ có cuộc sống vật chất, tinh thần tốt hơn.

A A

Chăm lo đời sống, sức khỏe người khuyết tật

Toàn tỉnh có trên 18.800 người khuyết tật được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, trong đó trên 3.100 người khuyết tật đặc biệt nặng, trên 15.500 người khuyết tật nặng và trên 200 người khuyết tật nhẹ. Nhờ thụ hưởng nguồn trợ cấp này, các gia đình có người khuyết tật vơi bớt gánh nặng kinh tế, chăm lo cho người khuyết tật tốt hơn. Như trường hợp của chị Triệu Thị Ly, ở ấp Phước Hòa, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), có con 3 tuổi bị khuyết tật, nhờ lãnh trợ cấp 720.000 đồng/tháng, giúp gia đình chị phần nào nhẹ gánh khi phải lo cho con.

Kể về hoàn cảnh của mình, chị Ly không kiềm được xúc động: “Tôi có 3 người con, 2 bé lớn sức khỏe bình thường, riêng bé út, khi mới được 7 ngày tuổi, bé sốt, chở đi khám bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh động kinh. Căn bệnh đeo bám, hành hạ, khiến con tôi không phát triển được bình thường như bao trẻ khác. Kinh tế gia đình khó khăn, tôi làm công nhân, chồng làm hồ, nên nuôi các con cũng hết sức vất vả. Nhờ nhận được tiền trợ cấp người khuyết tật, tôi nhẹ một phần chi phí trang trải. Ngoài ra, địa phương cũng quan tâm, xét nhận phần quà dành cho trẻ em khuyết tật. Sự quan tâm này đã giúp gia đình tôi đỡ khó khăn hơn”.

Anh Nguyễn Thanh Hoài - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người khyết tật tỉnh Sóc Trăng (thứ 2 bên trái) thăm và tặng quà người khuyết tật. Ảnh: NGỌC HẢI

Bên cạnh đó, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc sức khỏe. Trạm Y tế xã thường xuyên tuyên truyền lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật. Đến nay, có hơn 8.600 người khuyết tật được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe. Cơ sở vật chất, nguồn nhân lực Trạm Y tế xã được tỉnh quan tâm củng cố, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận dịch vụ y tế, quyền lợi được đảm bảo theo quy định. Bên cạnh đó, ngành y tế tổ chức thường xuyên khám sàng lọc, phân loại người khuyết tật và nhu cầu hỗ trợ phục hồi chức năng của người khuyết tật tại trạm y tế cấp xã. Ngành y tế các cấp đã quản lý, điều trị tại cộng đồng trên 4.600 đối tượng (bao gồm động kinh, tâm thần phân liệt và các rối loạn tâm thần khác).

Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay, có hơn 13.400 lượt người khuyết tật được hưởng các chính sách khám, chữa bệnh miễn phí và cung cấp các phương tiện, dụng cụ trợ giúp; có trên 2.700 lượt người khuyết tật được khám, can thiệp, phẫu thuật chỉnh hình. Các bệnh viện và những nơi khám, chữa bệnh luôn thực hiện tốt việc ưu tiên khám, chữa bệnh cho người khuyết tật.

Sự chung tay của tổ chức hội, đoàn thể

Bắt đầu từ năm 2017, Đoàn Khối doanh nghiệp tỉnh (nay đã sáp nhập là Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng) triển khai thực hiện mô hình “15 ngày tiết kiệm vì trẻ em khuyết tật” với các hoạt động: thăm và tặng quà trẻ em khuyết tật, người già neo đơn ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; tổ chức văn nghệ, thể thao cho học sinh Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh và duy trì hoạt động đến nay với hình thức đổi mới, quy mô mở rộng. Dự kiến vào ngày 18/4/2023, nhân kỷ niệm 25 năm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4/1998 - 18/4/2023), Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức chuyến tham quan một số điểm tại thành phố Sóc Trăng, giao lưu văn nghệ, tặng quà cho các em học sinh Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh; đến thăm và trao quà người khuyết tật trên địa bàn thành phố Sóc Trăng và huyện Mỹ Xuyên. Theo Bí thư Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Võ Đăng Khoa, mong muốn đem lại niềm vui cho các em học sinh Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh, Đoàn Khối vẫn duy trì tổ chức chuyến đi tham quan một số điểm đến hấp dẫn tại thành phố Sóc Trăng, để các em được trải nghiệm thực tế, được đi chơi cùng bạn học, thầy cô. Và hầu như lần nào tổ chức, các em cũng đều rất vui, phấn khởi, mong muốn năm sau tiếp tục tham gia.

Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức chuyến tham quan dành cho học sinh Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: NGỌC HẢI

Đồng hành với người khuyết tật, Câu lạc bộ Người khuyết tật tỉnh Sóc Trăng (thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh) gần 10 năm qua luôn là chỗ dựa tinh thần cho người khuyết tật. Anh Nguyễn Thanh Hoài - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người khuyết tật tỉnh thông tin: “Hiện câu lạc bộ có 72 thành viên, hoạt động sôi nổi, rộng khắp, kết nối những vòng tay trao hơi ấm cho người khuyết tật. Câu lạc bộ đã vận động các nguồn tặng quà cho người khuyết tật trên 130 triệu đồng; hỗ trợ vốn sinh kế cho 8 lượt người khuyết tật vay từ 5 - 10 triệu đồng/lượt để chăn nuôi, trồng rau màu, bán tạp hóa… Câu lạc bộ còn kết nối chương trình khuyến học Đèn đom đóm, trao hơn 20 suất học bổng cho học sinh khuyết tật, con em người khuyết tật có thành tích học giỏi. Câu lạc bộ còn giới thiệu việc làm cho 51 người khuyết tật. Như trường hợp em Bùi Thị Hồng Nhã, ở phường 2, thành phố Sóc Trăng, hiện em đang làm tại cửa hàng kinh doanh điện thoại di động, công việc ép kính điện thoại mang đến mức thu nhập khá”.

Tuy đôi chân không lành lặn nhưng Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người khuyết tật tỉnh rất nhiệt tình, không ngại đường xa, khó khăn đi lại, mang những phần quà trao tận tay cho người khuyết tật mà anh cứ nói vui rằng “người cùng cảnh ngộ lo cho nhau”. Nhận được phần nhu yếu phẩm, gạo từ câu lạc bộ, chị Trần Thị Phượng, ở ấp Phước Hòa, xã Phú Tân xúc động: “Tôi bị khuyết tật chân từ nhỏ, nên không giúp gì được cho gia đình. Hiện tôi sống cùng em ruột và cháu. Người thân quan tâm, chăm sóc nên tôi càng có động lực cố gắng vượt qua khó khăn bản thân. Nhận được sự quan tâm của câu lạc bộ, tôi rất vui mừng, biết ơn rất nhiều”.

Sự chung tay của cộng đồng đã góp phần kết nối những tấm lòng yêu thương, chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ người khuyết tật. Điều đó còn giúp người  khuyết tật tự tin phát huy sở trường của mình, có những cống hiến, lan tỏa tinh thần “tàn nhưng không phế”.

Theo NGỌC HẢI (Báo Sóc Trăng)