Sóc Trăng: Giúp người khiếm thị tự tin hòa nhập cộng đồng

07/08/2023 - 14:25

Trải qua hơn 22 năm thành lập, Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng luôn thực hiện đảm bảo chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức quần chúng xã hội, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện nhiệm vụ chăm lo cho người mù trong tỉnh. Đặc biệt, hội còn chú trọng vấn đề hỗ trợ nghề nghiệp, giải quyết việc làm, giúp người mù có cuộc sống ổn định hơn.

A A

Ông Hoàng Xuân Luyện - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Với vai trò là tổ chức đại diện cho người mù trong tỉnh, Tỉnh hội luôn xác định công tác chăm lo đời sống cho hội viên và người mù là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ. Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Hội Người mù Việt Nam về Chương trình Hành động Việc làm - Giảm nghèo bền vững năm 2007, Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình này tại địa phương, đưa chương trình này đi vào đời sống”.

Khen thưởng hội viên người mù có nhiều nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ.

Trong giai đoạn (2007 - 2022), được sự quan tâm, giúp đỡ của Hội Người mù Việt Nam và lãnh đạo địa phương, Tỉnh hội đã đưa 150 lượt người mù đi học nghề xoa bóp bấm huyệt, tin học, làm nhang ở ngoài tỉnh; phối hợp tổ chức 20 lớp dạy nghề xoa bóp day ấn huyệt, nhạc ngũ âm, tân nhạc, cổ nhạc, tin học tại tỉnh Sóc Trăng cho 157 lượt hội viên. Năm 2010, Tỉnh hội vận động mạnh thường quân hỗ trợ số tiền hơn 100 triệu đồng để mở Cơ sở sản xuất dịch vụ tập trung tại hội, tạo việc làm xoa bóp và làm nhang cho 20 hội viên. Từ khi thành lập đến nay, cơ sở đã tạo việc làm cho 60 người mù. Cơ sở duy trì tạo việc làm và đảm bảo khu nội trú cho khoảng 30 hội viên. Doanh thu của cơ sở hàng năm tăng dần, riêng trong năm 2022 doanh thu đạt trên 2,2 tỷ đồng. Đối với hội viên không làm việc tại cơ sở của hội, hội giới thiệu đến làm việc tại các cơ sở cho người mù ở các tỉnh, thành lân cận. Tỉnh hội cũng đã vận động kinh phí, hỗ trợ chuyên môn giúp Hội Người mù thị xã Vĩnh Châu mở 1 tổ xoa bóp, giải quyết việc làm cho 7 hội viên. Năm 2011, thông qua tài trợ của Đại sứ quán Úc và đối ứng của UBND tỉnh Sóc Trăng, Tỉnh hội được đầu tư xây dựng Trung tâm Đào tạo phục hồi chức năng cho người mù, phục vụ công tác đào tạo nghề cho hội viên.

Bên cạnh đó, Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng và Hội Người mù thị xã Vĩnh Châu tích cực vận động các cơ quan, và địa phương, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước để hỗ trợ vào các dịp lễ, Tết và trợ cấp khó khăn đột xuất cho hàng chục nghìn lượt hội viên và người mù, với tổng số tiền trên 30 tỷ đồng. Để góp phần giúp người mù gặp khó khăn về nhà ở có cuộc sống ổn định, Tỉnh hội phối hợp cùng Hội Người mù Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và mạnh thường quân xây dựng mới 30 căn nhà và sửa chữa 5 căn nhà cho 35 hộ người mù bức xúc về nhà ở, với số tiền trị giá tương đương 1 tỷ đồng. Hội phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội thực hiện nhiều dự án cho người mù vay vốn làm kinh tế (chủ yếu là các dự án chăn nuôi heo sinh sản, trồng cây ăn trái và mua bán nhỏ); giải ngân cho 178 lượt hộ vay với tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 349 lượt lao động có thêm công việc và thu nhập ổn định.

Chị Bùi Thị Lan, ở ấp Thọ Hòa Đông B, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành là một trường hợp điển hình. Chồng mất sớm, chị Lan lại bị mù do bệnh hiểm nghèo, hiện nay sống với con trai. Năm 2016, chị Lan được giới thiệu đến Hội Người mù để học chữ Braille, học nghề. Hội đã dạy nghề xoa bóp và đưa chị đến Thành phố Hồ chí Minh học thêm và lấy chứng nhận nghề xoa bóp vào năm 2017. Sau khi học nghề, chị Lan được nhận vào làm tại Tổ xoa bóp thuộc Cơ sở sản xuất dịch vụ tập trung của hội. Trong quá trình học tập, rèn luyện, chị Lan luôn cố gắng, chấp hành tốt các quy định của hội, tích cực tham gia các phong trào thi đua. Năm 2023, Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng đã đề nghị Hội Người mù Việt Nam xem xét hỗ trợ cho gia đình chị Lan 50 triệu đồng từ Quỹ Mái ấm tình thương dành cho phụ nữ mù và Tỉnh hội vận động hỗ trợ thêm 10 triệu đồng để cho chị Lan xây dựng căn nhà. Chị Bùi Thị Lan không giấu được niềm xúc động: “Nhờ có tổ chức hội mà tôi có được chỗ dựa vững chắc. Hiện tại, tôi đã có công việc ổn định, được hỗ trợ ngôi nhà mái ấm tình thương nên thấy hạnh phúc vô cùng”.

Hỗ trợ hội viên người mù xây dựng mái ấm tình thương ổn định cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội cũng nhìn nhận vẫn còn không ít khó khăn. Bởi thực tế công tác giải quyết việc làm chỉ đáp ứng cho một bộ phận nhỏ người mù trong tỉnh, trong khi số người mù 2 mắt toàn tỉnh hiện tại là 860 người. Công việc cho người mù chủ yếu là nghề xoa bóp day ấn huyệt, Tỉnh hội chưa triển khai được nhiều ngành nghề, mô hình sinh kế phù hợp với sức khỏe và điều kiện làm việc của người mù. Công tác xã hội hóa hỗ trợ nhà ở, nhà vệ sinh, nước sạch vẫn còn hạn chế. Đa số các hộ vay vốn đều sống ở vùng nông thôn nên việc tiếp thu khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt... còn hạn chế nên tay nghề và kinh nghiệm chưa cao, lợi nhuận trong sản xuất vẫn còn thấp. Các sản phẩm, dịch vụ của người mù chưa có sự cạnh tranh cao do thiếu các trang thiết bị; thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của người mù còn hạn hẹp…

Theo ông Hoàng Xuân Luyện, sắp tới Tỉnh hội tăng cường nâng cao trình độ dân trí cho hội viên và người mù. Trong đó, chú trọng đào tạo tin học, sử dụng điện thoại thông minh, tiến tới người mù có thể sử dụng được vi tính, truy cập internet để nâng cao kiến thức, tìm kiếm được việc làm. Hội cũng nghiên cứu hướng dẫn người mù đổi mới phương thức sản xuất, nghiên cứu mẫu mã mới, tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị tăng tính cạnh tranh, tăng cường quảng bá sản phẩm, dịch vụ của hội. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền các hoạt động của hội bằng những việc làm thiết thực của người mù đến với xã hội thông qua nhiều hình thức, góp phần thay đổi cách nhìn của xã hội về nguyện vọng, khả năng lao động, làm việc của người mù, từ đó quan tâm đến việc làm và đời sống người mù ngày càng tốt hơn.

Bằng sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự chung tay của cộng đồng sẽ hỗ trợ tích cực cho hội người mù trong tỉnh thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, góp phần giúp người mù có cuộc sống ổn định, cân bằng tâm lý, từ đó có ý chí phấn đấu vươn lên, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Theo XUÂN HƯƠNG (Báo Sóc Trăng)