Sóc Trăng: Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

20/09/2022 - 09:48

Trong vài năm trở lại đây, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được phổ biến và nhân rộng. Việc đưa công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi tại hộ đã góp phần giải phóng sức lao động của người dân, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sản lượng sản phẩm sau thu hoạch, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất.

A A

Máy bay không người lái phục vụ cho việc phun thuốc bảo vệ thực vật cho cánh đồng lúa. Ảnh: THÚY LIỄU

Ở Sóc Trăng, kinh tế mũi nhọn được xác định là cây lúa và con tôm nuôi nước lợ. Để nâng cao chất lượng, sản lượng của 2 loại nông sản và thủy sản này thì ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án để phát triển, trong đó một phần là nhờ vào việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Từ hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao được ngành Nông nghiệp tỉnh hướng dẫn, truyền tải đến hộ dân thông qua các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mà thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng đã tự đưa công nghệ cao vào sản xuất tại hộ, bằng cách chuyển đổi hình thức nuôi tôm nước lợ từ nuôi truyền thống sang nuôi công nghệ cao; đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ cho việc sản xuất lúa.

Để tìm hiểu về việc hộ dân ứng dụng công nghệ cao vào canh tác lúa tại hộ, chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Tha, xã Viên An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng), bởi ông là người sở hữu vài chiếc máy bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, thoáng mát, ông Đinh Tha từ tốn chia sẻ: "Tôi có 5 chiếc máy bay không người lái, đây là loại máy bay dùng để phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng lúa. Sở dĩ tôi đầu tư nhiều máy bay như trên, ngoài đáp ứng cho nhu cầu sử dụng trong phun xịt thuốc cho cánh đồng lúa của gia đình, tôi còn đưa máy bay phun xịt thuốc thuê cho hộ dân trong và ngoài địa phương có nhu cầu".

“Tôi mua chiếc máy bay không người lái đầu tiên vào năm 2017, đây là chiếc máy bay giúp tôi không phải nhọc công tìm thuê lao động, khi tới đợt phun xịt thuốc cho diện tích lúa 22ha. Lúc đầu, máy chỉ phục vụ tại gia đình nhưng sau bà con xung quanh thấy máy bay rất thuận tiện cho việc phun xịt thuốc, giá thuê thấp (chỉ 18.000 đồng/1.000m2) nên máy bay được bà con thuê nhiều để phun xịt thuốc cho ruộng lúa. Bên cạnh đó, máy bay có tốc độ phun xịt thuốc nhanh, với 22ha lúa của gia đình, máy phun xịt thuốc trong vòng 1 ngày là xong. Còn phun xịt thuốc bằng thủ công thì cần đến 3 lao động trong 5 ngày, tổng tiền công phải trả 4,5 triệu đồng. Riêng với máy bay, trừ các khoản chi phí khoảng 500.000 đồng. Sau chiếc máy bay đầu tiên mua với giá hơn 500 triệu đồng thì trong 2 năm tiếp theo, tôi mua thêm 4 chiếc máy bay. Theo tính toán, bình quân mỗi ngày 1 chiếc máy bay phun xịt khoảng 10ha đất (tùy thuộc vào người thuê), 5 chiếc phun xịt diện tích đất tầm 50ha, thu về số tiền tầm 90 triệu đồng/ngày/5 máy, trừ các khoản chi phí lợi nhuận thu về khoảng 30 - 35%” - ông Tha cho biết thêm.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề Trần Hoàng Dũng cho biết: “Trên địa bàn huyện có khoảng 13 chiếc máy bay không người lái, loại máy bay này gọn nhẹ, dễ di chuyển, các hoạt động của máy thông qua bộ điều khiển có ghi nhớ, tốc độ phun thuốc rất nhanh, áp dụng máy bay phun thuốc góp phần tăng năng suất lúa khoảng 5%, giảm công lao động khoảng 80%. Việc sử dụng máy bay giảm đáng kể số lao động thuê mướn. Tiện lợi nhất của máy bay là người dân có thể phun thuốc bất kỳ thời điểm nào trong ngày nếu thấy phù hợp và không ảnh hưởng sức khỏe người canh tác lúa”.

Ông Đinh Tha, xã Viên An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) bên số máy bay ông đầu tư. Ảnh: THÚY LIỄU

Nếu như ông Đinh Tha ứng dụng máy bay không người lái trong canh tác lúa, thì ông Ngô Thanh Tuấn, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã chuyển đổi 2ha nuôi tôm bằng ao đất truyền thống sang ao nuôi tôm công nghệ cao. Bằng cách lót bạt toàn bộ các ao nuôi tôm kết hợp làm hố xiphông xả thải, đầu tư hệ thống các ao nuôi, ao lắng, ao chứa nước thải, ao xử lý nước thải và hàng loạt các thiết bị công nghệ khác… một cách bài bản, khoa học. Nhờ đó, tăng số vụ nuôi tôm trong năm, tôm nuôi đạt năng suất cao, bán được giá tốt, đặc biệt là hệ thống ao nuôi khép kín nên bảo vệ tốt môi trường cho vùng nuôi tôm tại địa phương.

Ông Tuấn bộc bạch: “Với tổng diện tích khu vực nuôi tôm là 2ha, tôi làm các ao phụ trợ, còn lại làm 2 ao nuôi, diện tích mỗi ao 1.000m2 và sản lượng tôm nuôi mỗi năm tầm 30 tấn/2 ao, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận thu về hơn 1,5 tỷ đồng, cao hơn gấp 3 lần so với nuôi ao đất. Dự định trong năm 2023, tôi tiếp tục chuyển đổi 4ha nuôi tôm ao đất sang ao nuôi tôm công nghệ cao, nhằm tăng thu nhập cho gia đình”.

Thông qua việc ứng dụng công nghệ cao của hộ dân vào sản xuất nông nghiệp cho thấy, nhiều hộ đã mạnh dạn thay đổi tập quán tư duy sản xuất truyền thống kém hiệu quả sang hiện đại, đáp ứng tình hình thực tế. Có không ít hộ sẵn sàng đầu tư máy móc với số tiền lớn nhằm đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài về sau.

Theo Báo Sóc Trăng