Đoàn đến khảo sát tại hộ ông Trần Ương - trước đây gia đình ông Ương là hộ nghèo trong xã, đời sống rất khó khăn. Từ khi được ngân hàng chính sách, Mặt trận, đoàn thể cho vay để phát triển mô hình nuôi bò thịt, kết hợp với làm ruộng, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo, cất được nhà. Ông Ương chia sẻ: “Gia đình tôi từng nuôi gà, vịt, làm ruộng nhưng thu nhập bấp bênh, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhờ ngân hàng chính sách, Mặt trận, đoàn thể tạo điều kiện cho vay vốn nên tôi đã mạnh dạn nuôi bò thịt. Đến nay, gia đình lúc nào cũng duy trì đàn bò lên đến hơn chục con, mỗi năm tôi thu lãi trên 30 triệu đồng. Năm 2017, gia đình tôi được công nhận thoát nghèo. Qua nhiều năm tích cóp từ tiền nuôi bò thịt, làm nông, tôi mới cất được căn nhà trị giá gần 300 triệu đồng”.
Mô hình chăn nuôi bò thịt của chú Trần Ương. Ảnh: K.N
Tiếp đó, đoàn đến khảo sát mô hình nuôi bò thịt của anh Lâm Thươl, cùng ngụ ấp Bưng Long. Anh Thươl trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo, ít đất sản xuất, phải đi làm thuê kiếm thêm thu nhập nuôi sống gia đình. Từ năm 2014, anh Thươl được tiếp cận nguồn vốn của Nhà nước để mua 2 con bò làm giống, đến nay đàn bò của anh tăng lên 12 con, anh dành 2 công đất để trồng cỏ cho bò ăn. Cũng giống như chú Ương, dành dụm từ tiền nuôi bò, làm ruộng, anh Thươl cất lại nhà và lo cho con ăn học.
Đồng chí Phạm Lệ Lam cho biết, qua khảo sát thực tế, thông tin của chính quyền địa phương và chia sẻ của 2 hộ dân thì mô hình nuôi bò thịt bước đầu mang lại hiệu quả. Nhờ Mặt trận, đoàn thể hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo; đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận, đoàn thể trong việc tổ chức các phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Theo K.N (Báo Sóc Trăng)