Vụ hành tím năm nay, vùng trồng hành ở thị xã Vĩnh Châu xuống giống được trên 5.000ha. Mặc dù thời tiết có lạnh hơn, những cơn mưa trái mùa nhiều hơn, kéo dài hơn, nhưng nhìn chung cây hành ở Vĩnh Châu vụ này vẫn phát triển tốt khi cho năng suất bình quân 1,8 - 2 tấn/công (1.000m2). Tuy nhiên, đây mới chỉ là một nửa niềm vui của người trồng hành, nửa còn lại mới thật sự mang lại cho họ niềm vui trọn vẹn, đó chính là giá hành đang được đại lý, doanh nghiệp thu mua với mức khá cao.
Hành tím trúng mùa, trúng giá mang đến niềm vui trọn vẹn cho nông dân trồng hành ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: TÍCH CHU
Hiện đang là thời điểm thu hoạch chính vụ, nhưng hầu như hành thu hoạch, phơi khô, bó chùm xong đến đâu được thu mua ngay đến đó với mức giá lên đến 25.000 - 30.000 đồng/kg. Đây là mức giá vượt ngoài sự kỳ vọng của người trồng hành và cũng lâu lắm rồi giá hành mới lại lập đỉnh như ở niên vụ này. Không vui sao được khi với năng suất và mức giá như trên, mỗi công hành, người dân lời ít gì cũng 20 triệu - 30 triệu đồng, tức gần chục lần so với làm lúa. Trước đó, trong vụ hành sớm phục vụ thị trường dịp tết Nguyên đán, nông dân trồng hành ở Vĩnh Châu, Trần Đề cũng có được lợi nhuận cao nhờ trúng giá. Ngoài 2.000ha đã thu hoạch xong, số còn lại theo dự kiến sẽ được thu hoạch dứt điểm trong tháng 3 này, chính thức khép lại một niên vụ hành thương phẩm để nhường chỗ cho vụ hành giống tiếp theo.
Không khí trúng mùa, trúng giá vụ hành tím năm nay làm tôi nhớ tới thời hoàng kim của cây hành hơn 10 năm trước khi còn xuất khẩu mạnh sang thị trường Indonesia. Những năm đó, gần như mỗi vụ hành đều mang đến cho nông dân xứ biển Vĩnh Châu niềm vui vì sức tiêu thụ rất mạnh, các doanh nghiệp khắp nơi đổ về cạnh tranh thu mua, nên hành thu hoạch đến đâu được tiêu thụ hết ngay đến đó. Tuy nhiên, từ khi thị trường Indonesia thắt chặt hơn các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, về hạn ngạch… giá hành cũng rớt dần, lượng tiêu thụ giảm đi rõ rệt, người trồng hành bắt đầu gặp khó, mà đỉnh điểm là những lần kêu gọi giải cứu gần đây vì hành không tiêu thụ được.
Không thể để đến hẹn lại giải cứu, lãnh đạo thị xã Vĩnh Châu, ngành nông nghiệp, các nhà khoa học từ các viện, trường đại học và doanh nghiệp bắt đầu ngồi lại với nhau để tìm hướng đi mới hiệu quả hơn, bền vững hơn cho loại cây đặc sản này. Những quy trình canh tác an toàn, những kỹ thuật, công nghệ bảo quản hành không hóa chất độc hại… cùng với việc cơ cấu lại mùa vụ theo hướng rải vụ để tránh thu hoạch đồng loạt dẫn đến ùn ứ làm giảm giá hành bắt đầu được thử nghiệm và mang lại tín hiệu tích cực. Tất cả đều hướng đến mục tiêu là sản xuất, bảo quản hành theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng cao giá trị, chứ không để nông dân chạy theo năng suất làm mất uy tín thương hiệu hành tím Vĩnh Châu vốn đã được định hình từ rất lâu nơi người tiêu thụ.
Sau những vụ hành không tiêu thụ được, nông dân trồng hành cũng bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc liên kết với nhau theo mô hình hợp tác xã để có điều kiện xây dựng mối liên kết với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ cũng như ứng dụng quy trình, kỹ thuật mới hay đầu tư kho bảo quản… Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia hợp tác xã, hay ứng dụng quy trình, công nghệ canh tác, bảo quản tiên tiến cũng có phần thuận lợi hơn. Đặc biệt, nỗi oan các bệnh về mắt do phấn hành cũng dần được giải tỏa, góp phần củng cố uy tín chất lượng hành tím Vĩnh Châu ngày một cao hơn, doanh nghiệp tìm đến liên kết, thu mua ngày một nhiều hơn. Thành quả cho hành trình lấy chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm làm mục tiêu hàng đầu đã giúp hành tím Vĩnh Châu dần lấy lại vị thế của mình trên thị trường và định hình một hình ảnh tốt đẹp sản phẩm hành tím nơi người tiêu thụ, thông qua sức tiêu thụ và giá hành tăng cao trong thời gian gần đây.
Kinh nghiệm từ cây hành một lần nữa cho thấy, công tác tổ chức sản xuất là hết sức quan trọng và có vai trò quyết định đến sự thành công của mỗi loại nông sản, kể cả đó là nông sản đặc sản. Cũng chính nhờ tổ chức sản xuất tốt mới dần thay đổi được tập quán sản xuất không an toàn, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm và các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, bảo quản mới được nông dân trồng hành ứng dụng một cách hiệu quả. Lấy lại được vị thế cho cây hành vốn dĩ đã khó, việc duy trì và từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng, độ an toàn cho sản phẩm hành tím Vĩnh Châu sẽ còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, với những cái giá đắt đã trả cho những vụ hành không tiêu thụ được chắc chắn nông dân trồng hành Vĩnh Châu sẽ hiểu ra, để sản xuất, tiêu thụ hành hiệu quả và bền vững không có con đường nào khác là không ngừng nâng cao chất lượng và sự an toàn cho sản phẩm do chính mình làm ra.
Theo Báo Sóc Trăng