Đẩy mạnh liên kết sản xuất…
Thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, niên vụ 2020 - 2021, diện tích gieo trồng toàn tỉnh là 327.826ha lúa, sản lượng hơn 2 triệu tấn, vượt 18% kế hoạch, trong đó sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao 1,53 triệu tấn, chiếm 74,3% tổng sản lượng; riêng lúa đặc sản, lúa thơm các loại hơn 1,1 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 53,4%, tăng 1,28% so cùng kỳ năm 2020.
Thành công của niên vụ lúa nêu trên có sự góp phần không nhỏ của các đề án, dự án trong phát triển sản xuất lúa, trong đó phải kể đến Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Sóc Trăng - dự án đã đem lại nhiều thành quả tốt đẹp trong việc liên kết hộ dân trong sản xuất lúa, xây dựng các cánh đồng lớn, kể cả việc hỗ trợ cùng ngành chuyên môn liên kết tiêu thụ lúa cho người dân, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) với doanh nghiệp, công ty tiêu thụ lúa.
Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng được triển khai trên địa bàn tỉnh vào đầu năm 2016 với mục tiêu góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, giúp tăng thu nhập cho nông dân sản xuất lúa gạo, tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, giảm tác động tiêu cực tới môi trường đối với sản xuất lúa. Tính đến hết năm 2020, dự án đã tổ chức 612 lớp tập huấn “3 giảm, 3 tăng” (3G3T) cho 20.122 hộ với diện tích 27.183ha và đã có 100% ha áp dụng kỹ thuật 3G3T. Đồng thời, dự án cũng đã tổ chức 360 lớp tập huấn kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” (1P5G) cho 13.351 hộ, tương đương diện tích 15.598ha và diện tích lúa áp dụng biện pháp canh tác bền vững, tham gia hợp đồng bao tiêu sản phẩm là 8.385ha.
Lãnh đạo tỉnh và ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm đến khâu liên kết giữa công ty, doanh nghiệp và HTX, THT nhằm tạo đầu ra bền vững cho các HTX chuyên sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TL
Bên cạnh đó, Dự án VnSAT còn xây dựng 48 mô hình trình diễn về kỹ thuật 3G3T với diện tích 96ha; 27 mô hình trình diễn 1P5G với diện tích 54ha; 12 điểm trình diễn về luân canh cây trồng; 14 điểm trình diễn về tận dụng phụ phẩm từ lúa gạo và 12 điểm trình diễn nhân giống lúa xác nhận trên diện tích 24ha, để nông dân thấy hiệu quả khi áp dụng kỹ thuật sản xuất được Dự án VnSAT triển khai thực hiện, nhằm thuyết phục nông dân học hỏi, áp dụng vào sản xuất lúa. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho 11 HTX vùng dự án; hỗ trợ cho 10 HTX về tài chính và trang thiết bị…
… tiêu thụ lúa gạo bền vững
Với mục tiêu góp phần tiêu thụ lúa gạo bền vững, trong khâu liên kết, Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng cũng đã góp phần cùng ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng kết nối giữa doanh nghiệp với các HTX, THT và nông dân nên việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng liên kết ngày càng nhiều và hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ hiện nay cũng khá đa dạng như: cung cấp giống, vật tư đầu vào đến cuối vụ, thỏa thuận giá ngay từ đầu và ký kết hợp đồng bao tiêu hoặc thỏa thuận giá trước khi thu hoạch từ 10 - 15 ngày... Kết quả trong năm 2021 đã có 131 lượt công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ với diện tích 61.922ha, tăng 68% so cùng kỳ và lợi nhuận bình quân từ 20 - 27 triệu đồng/ha/vụ.
Đồng chí Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng định hướng, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh nhà cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh cần tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn liên kết nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện của nông dân có cơ hội tiếp cận, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân có hợp đồng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản có hiệu quả và bền vững.
Song song đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu ngành có liên quan cần hỗ trợ các HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của tỉnh Sóc Trăng theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm, giúp cho người dân tự lực, tự tin với sản phẩm do mình làm ra. Đồng thời, triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ các HTX, THT xây dựng kế hoạch sản xuất theo chuỗi liên kết gắn sản xuất, tiêu thụ cũng như tham gia giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác liên kết giữa công ty, doanh nghiệp với HTX, THT trên địa bàn…
Cùng với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước, hiện tỉnh Sóc Trăng đã và đang tiếp tục nâng cao hình thức sản xuất nông nghiệp nhằm thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn có chất lượng và sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn… nhằm tiến tới nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Theo Báo Sóc Trăng