Sóc Trăng: “Má hồng” tích cực trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm về “tín dụng đen”

14/06/2022 - 09:09

Công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về “tín dụng đen” được các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nhất là sự vào cuộc mạnh mẽ của đoàn thể. Nhờ vậy, các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn cơ bản được kiếm soát.

A A

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cơ bản được kiềm chế. Tuy nhiên, một số đối tượng hoạt động liên tỉnh, liên huyện vẫn có sự cấu kết với những đối tượng ở địa phương, lén lút hoạt động tinh vi, phức tạp và có nhiều thủ đoạn đối phó cơ quan chức năng như: lợi dụng đêm tối, ít người để phát tán tờ rơi, quảng cáo hoặc đăng trên các trang mạng xã hội… Thành phần, đối tượng hoạt động chủ yếu là từ các tỉnh phía Bắc vào và có sự cấu kết với những đối tượng ở địa phương. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân đang khó khăn về vốn làm ăn, không vay tiền kịp thời từ các ngân hàng để dụ dỗ, lôi kéo tham gia hoạt động “tín dụng đen”. Hậu quả của việc vay lãi suất cao từ “tín dụng đen” không trả kịp thời là cảnh tan nhà, nát cửa và thậm chí tính mạng sẽ bị đe dọa.

Để đẩy lùi “tín dụng đen”, từ Trung ương đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, cụ thể. Đồng chí Nguyễn Thị Diện - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Sóc Trăng cho biết, quán triệt tinh thần trên, đơn vị đã đưa nội dung chỉ đạo về phòng ngừa và đấu tranh với hoạt động “tín dụng đen” vào chương trình công tác năm của hội và được cụ thể hóa vào kế hoạch thực hiện công tác chính sách - pháp luật. Đồng thời, Tỉnh hội có kế hoạch triển khai đến các cấp hội thực hiện, đảm bảo đúng trọng tâm, sâu sát thực tế, kịp thời và đây còn là một trong những chỉ tiêu xét thi đua của hội. Tỉnh hội chỉ đạo các cấp hội phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ nâng cao tinh thần cảnh giác đối với hành vi lôi kéo, xúi giục tham gia hoạt động “tín dụng đen” bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp như: thông qua sinh hoạt định kỳ hàng tháng của các tổ, nhóm, câu lạc bộ; các cuộc tập huấn nghiệp vụ; tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình; tuyên truyền qua mạng xã hội (nhóm zalo, facebook), website...

Các cấp hội phụ nữ thành lập nhiều tổ, mô hình, tổ hợp tác kinh tế để giúp chị em phụ nữ, hội viên ổn định cuộc sống, không phải tham gia vay lãi suất cao từ bên ngoài. Ảnh: C.H

Các cấp hội còn chú trọng tuyên truyền, vận động trong cán bộ hội chủ chốt phải chấp hành nghiêm pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn. Nghiêm cấm tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” cho vay lãi nặng hoặc thành lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ vi phạm pháp luật. Đặc biệt, 3 năm qua (tính từ tháng 4-2019 đến tháng 4-2022), Hội LHPN tỉnh lồng ghép vào 200 lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề, sự kiện truyền thông cho trên 6.000 hội viên, phụ nữ, nâng cao nhận thức phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.  

Để phòng ngừa hoạt động “tín dụng đen” len lỏi lôi kéo chị em phụ nữ gặp khó khăn, các cấp hội tiến hành rà soát hộ hội viên, phụ nữ nghèo, hộ nghèo do nữ làm chủ hộ để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ và đã hỗ trợ khoảng 4.475 hộ. Từ các nguồn vốn vay luân chuyển, vốn tiết kiệm xoay vòng được gần 40 tỷ đồng cho 4.954 chị em vay làm vốn mua bán nhỏ, chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế gia đình, hạn chế tình trạng "vay nóng" bên ngoài. Các cấp phụ nữ đã triển khai có hiệu quả các dự án, chương trình, đề án để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh, phát triển, ổn định cuộc sống. Mặt khác, các cấp hội đẩy mạnh công tác xây dựng mô hình hiệu quả thu hút phụ nữ vào tổ chức hội (thành lập mới 6 tổ hùn vốn, 11 tổ phụ nữ tiết kiệm, 25 tổ doanh nghiệp nhỏ, vừa; ra mắt mới 15 tổ hợp tác, 18 tổ nghề, dịch vụ). Ngoài ra, các cấp hội còn phối hợp những đơn vị có liên quan mở 184 lớp dạy nghề cho trên 7.400 chị em; giới thiệu việc làm cho trên 10.300 chị em và nhiều hoạt động thiết thực khác. Qua các hoạt động trên, tình trạng hội viên, phụ nữ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” giảm rõ rệt. Đồng thời, giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế bền vững, nâng cao vai trò hội LHPN trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.

Thực tế, dù công tác tuyên truyền, vận động chị em không cả tin "vay nóng" từ các tổ chức “tín dụng đen” có hiệu quả và các tờ rơi quảng cáo dọc các tuyến lộ, điểm chợ, bến xe, trường học, cột điện... hầu như đã được tháo gỡ kịp thời nhưng loại tội phạm này luôn tiềm ẩn phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, hiện các đối tượng vẫn thường sử dụng điện thoại nhắn tin hoặc điện thoại trực tiếp để dụ dỗ người dân. Tội phạm có nhiều “chân rết” ở địa phương nên việc phòng ngừa rất khó khăn. Với lại, đối tượng mà tội phạm này hướng tới thường là phụ nữ cờ bạc, nhẹ dạ... không chịu lao động nên việc tuyên truyền, vận động cũng gặp khá nhiều khó khăn. Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần chủ động và có giải pháp xử lý mạnh để đủ sức răn đe phòng, ngừa hoạt động liên quan “tín dụng đen”.

Theo Báo Sóc Trăng