Sóc Trăng: Phát huy hiệu quả hệ thống thủy lợi

02/01/2024 - 14:16

Trải qua những thiệt hại nặng nề từ đợt hạn, mặn lịch sử của mùa khô năm 2015 - 2016, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng thành công các kịch bản ứng phó với diễn biến xâm nhập mặn theo từng cấp độ khác nhau, trong đó có cả giải pháp công trình lẫn phi công trình. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt được đầu tư trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp của nông dân...

Hệ thống cống thủy lợi góp phần ngăn mặn, trữ ngọt. Ảnh: THÚY LIỄU

“Hiện tại, chúng tôi không còn phải nhọc nhằn bốc vác từng bao lúa qua khỏi cống như mùa khô của những năm trước. Bởi từ khi công trình cống Cái Quanh được bàn giao đi vào hoạt động, trong điều kiện an toàn và thích hợp, cửa cống được mở trong thời gian từ 45 - 60 phút để bà con vận chuyển lúa. Điều này giúp nông dân trong vùng tiết kiệm đáng kể chi phí thuê mướn nhân công, cũng như đảm bảo chất lượng lúa khi được vận chuyển đến điểm thu mua trong thời gian sớm”, ông Lê Văn Hai, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) phấn khởi chia sẻ.

Hệ thống cống phát huy hiệu quả trong ngăn mặn, trữ ngọt là cống Bà Xẩm tại khu vực xã Long Đức, huyện Long Phú. Đây là một trong những công trình có chức năng cấp nước cho vùng thủy lợi khép kín Long Phú - Tiếp Nhựt. Nếu như trước kia, việc cấp nước còn gặp nhiều hạn chế khi nông dân còn thụ động trong công tác tích trữ nước, thì đến nay, trạm bơm với công suất 10.000m3/giờ được lắp đặt tại cống đã giúp nông dân trong vùng có thêm lượng nước ngọt vừa đủ để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

Hộ dân vùng sản xuất lúa cũng đã chủ động trữ nước khi mặn lên. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo nhận định từ ngành chuyên môn, hạn, mặn mùa khô năm 2023 - 2024 diễn ra không gay gắt so với trung bình nhiều năm, nhưng độ mặn diễn biến phức tạp và nhiều thời điểm tăng cao đột ngột. Bên cạnh việc khẩn trương nạo vét các kênh thủy lợi, công tác vận hành các công trình cũng được đơn vị chuyên môn chỉ đạo phù hợp với diễn biến tình hình thực tế nhằm phát huy tối đa hiệu quả các công trình hiện có.

Ông Lê Bá Khiết - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy lợi Sóc Trăng cho biết, năm nay hiện tượng El Nino xuất hiện nên tình hình hạn hán, xâm nhập mặn những tháng mùa khô năm 2023, 2024 sẽ diễn biến phức tạp. Do đó, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của hộ dân, đơn vị sẽ cho nhân viên trực cống 24/24 giờ để kịp thời lấy nước ngọt đưa vào hệ thống kênh nội đồng trong thời điểm không có mặn xuất hiện. Đồng thời, tiến hành duy tu, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cống trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo không rò rỉ nước mặn khi mặn xâm nhập trên sông Hậu và sông Mỹ Thanh. Tiến hành nạo vét các kênh thủy lợi, nạo vét từ kênh cấp 3 lên cấp 2, cấp 2 lên cấp 1 và cấp 1 lên tạo nguồn... để góp phần giúp tỉnh Sóc Trăng thực hiện tốt công tác ngăn mặn, trữ ngọt, góp phần kiểm soát nguồn nước phục vụ cho sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, tỉnh đã và đang trình Trung ương phê duyệt kinh phí đầu tư thêm nhiều công trình quy mô nhằm nâng cao năng lực ứng phó xâm nhập mặn tại những địa bàn thường thiếu nước ngọt thông qua giải pháp công trình.

“Sóc Trăng có 635 cống, trong đó tỉnh quản lý 159 cống, còn lại do địa phương quản lý theo sự phân cấp; hệ thống kênh là 1.000km; đê biển 95km, trong đó đê biển của huyện Cù Lao Dung là 25km, Trần Đề 15km, còn lại là của thị xã Vĩnh Châu. Hệ thống công trình thủy lợi như trên chưa đáp ứng hoàn toàn trong phục vụ sản xuất cho một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Do đó, tỉnh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đầu tư hệ thống cống dọc theo Quốc lộ Nam Sông Hậu từ âu Rạch Mọp đến các hệ thống cống dài đến An Lạc Thôn (Kế Sách). Hệ thống thủy lợi này sau khi hoàn chỉnh sẽ phát huy được hiệu quả kiểm soát nước tại huyện Kế Sách, đảm bảo cho vùng trồng cây ăn trái đặc sản của tỉnh. Riêng đối với vùng Long Phú - Tiếp Nhựt và toàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự án đề nghị vay vốn Trung ương để xây dựng âu thuyền Đại Ngãi, âu thuyền Mỹ Xuyên và đã được chấp thuận phân bổ nguồn vốn. Nếu có được 2 âu thuyền này, nông dân các vùng sản xuất thuộc vùng thủy lợi khép kín của tỉnh sẽ yên tâm sản xuất khi kiểm soát được hạn, mặn…”, đồng chí Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng chia sẻ.

Theo THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng)