Nếu như trong 2 năm liên tiếp (2015 và 2016), người trồng mít Thái lao đao vì giá xuống thấp, không có người mua, mít rụng đầy vườn, thì bước sang năm 2017, giá mít có dấu hiệu phục hồi và dao động 15.000 đồng/kg - 25.000 đồng/kg, nên người trồng vô cùng phấn khởi.
Theo tính toán của nhà vườn, với giá trên đã giúp nông dân bỏ túi hàng trăm triệu đồng nếu trồng khoảng 500 cây mít. Niềm vui của bà con như được nhân đôi khi giá bán liên tục tăng từ đầu năm 2018 đến nay, với mức từ 25.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg và hiện tại giá mít giữ vững ở mốc 45.000 đồng/kg trong vòng 2 tháng qua.
Dẫn khách tham quan vườn mít Thái đang độ thu hoạch, anh Nguyễn Văn Kiệt, ấp Hòa Lộc 2, xã Xuân Hòa (Kế Sách) bộc bạch: “Tôi là một trong những hộ đầu tiên của ấp chuyển đổi cây bưởi, cam sang trồng mít Thái. Tôi chọn trồng mít bởi thời gian lấy trái ngắn, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp. Để có giống tốt, tôi mua ở tận nhà vườn ở Bến Tre, xuống giống 1 năm là đã thu hoạch, nhưng để mít đủ sức cho các vụ tiếp theo và cây không bị ảnh hưởng do còn non yếu phải nuôi dưỡng trái, thường vụ đầu tiên phải hái bỏ trái. Khi cây đủ sức, năm thứ 2 bắt đầu lấy trái”.
Theo anh Nguyễn Văn Kiệt, ấp Hòa Lộc 2, xã Xuân Hòa (Kế Sách), 1 cây nên để từ 2 đến 3 trái là đạt chuẩn.
Cũng theo anh Kiệt, mít Thái khác mít nghệ, mít dừa ở chỗ là nó thường đậu trái ngay đọt ra lá non, trái rất nhiều. Chính vì vậy, phải cắt bỏ trái ở đọt, chỉ chừa lại trái trổ ngay thân cây và 1 cây nên để từ 2 đến 3 trái là đạt chuẩn. “Diện tích vườn của gia đình tôi là 1ha, xuống giống được 800 gốc mít, tính đến nay vườn mít đã 8 năm tuổi nên sản lượng lớn, hái trái 2 vụ/năm. Vừa qua, tôi thu hoạch được 15 tấn, giá bán 45.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận 650 triệu đồng; đến cuối tháng 11 sẽ thu hoạch đợt trái thứ 2, ước 13 tấn, nếu giá vẫn như đợt 1 sẽ thu về số tiền lãi hơn 550 triệu đồng” - anh Kiệt phấn khởi cho biết thêm.
Rời vườn mít Thái của anh Kiệt, chúng tôi vượt hơn 3 cây số để tìm đến vườn mít của anh Huỳnh Văn Thới, ấp Hòa Lộc 2, xã Xuân Hòa.
Mồ hôi nhễ nhại trên trán, tay ôm quả mít nặng gần 30kg, anh Thới tâm tình: “Trái này bán cầm chắc trong tay được 1,4 triệu đồng. Nếu như lái vào tận vườn mua với giá 45.000 đồng/kg thì tôi đem tận vựa bán 47.000 đồng/kg; mình bỏ công chút đỉnh nhưng lại có thêm 2.000 đồng/kg, làm vườn lời nhiều nhờ số ít gộp lại”.
Anh Thới cho biết thêm: “Điểm đặc biệt của cây mít Thái là trái nhiều trên cây nên dẫn đến tình trạng cây bị nứt và chết, do đó để cây sinh trưởng tốt thì mỗi cây nên để từ 3 - 4 trái theo từng độ tuổi của cây. Theo tính toán, mít Thái chỉ cần có giá 10.000 đồng/kg là người dân đã thu lãi 8.000 đồng/kg; nhưng với giá như hiện giờ thì người trồng “hốt bạc”. Tôi đã thu hoạch 17 tấn mít, trừ chi phí lợi nhuận 780 triệu đồng, đợt hái trái thứ 2 ước đạt 8 tấn, lời tầm 350 triệu đồng. Hướng tới, tôi sẽ phá bỏ toàn bộ cây vú sữa xen canh để chuyên canh cây mít nhằm tăng lợi nhuận”.
Theo thông tin từ nhiều nhà vườn thành công từ cây mít Thái, nếu so với các loại cây trồng khác thì mít Thái là loại cây trồng đem về lợi nhuận “siêu khủng”, do ít tốn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không mất tiền thuê nhân công lúc thu hoạch, thương lái tự ra vườn lựa chọn mít để hái.
Bình quân 1 trái mít cân nặng tầm 20kg, có trái lên tới 28kg, tính thời giá hiện tại thì 1 trái mít bán được số tiền hơn 1,2 triệu đồng. Hiện tại, bà con đang duy trì số lượng mít trồng trong vườn và có hướng sẽ không tăng diện tích, bởi trái cây theo nhu cầu thị trường nên khó đoán được giá.
Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Phan Hải Hoàng Tâm cho biết: “Tổng diện tích trồng mít Thái trên địa bàn xã ước 1.000ha, được bà con nhà vườn trồng chuyên canh và xen cùng một số loại cây ăn trái khác. So với các năm trước thì giá mít hiện nay cao gấp nhiều lần, giá mít tăng nhưng địa phương không khuyến khích người dân mở rộng diện tích, vì còn phụ thuộc nhiều thị trường Trung Quốc, khi nước bạn cần hàng thì giá tăng ồ ạt, ngược lại, có lúc giá mít rớt thê thảm. Do vậy, địa phương tuyên truyền người dân giữ diện tích hiện có, không trồng mới, nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu”.
Theo THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng)