Dồn sức cho NTM nâng cao ở An Thạnh 1
Thực hiện phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là đưa cây giống, con giống có giá trị kinh tế, xây dựng các vùng sản xuất tập trung.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu và các sở, ngành, địa phương khảo sát mô hình vườn cây ăn trái kiểu mẫu ở xã An Thạnh 1. Ảnh: THIỆN HẢI
Tại xã An Thạnh 1, một trong những xã đảo của huyện Cù Lao Dung, sau 6 năm về đích NTM, diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể. Đồng chí Đoàn Phước Tùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Thạnh 1 cho biết, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã xác định mục tiêu chính của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong xã. Để nâng cao thu nhập cho nhân dân theo hướng bền vững, UBND xã phối hợp ngành chuyên môn chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động nhân dân cải tạo vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất, kinh doanh và phát triển các dịch vụ, gắn với đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả như: bưởi da xanh, thanh long và các mô hình cây ăn trái kết hợp... Đặc biệt, đơn vị còn có các mô hình kinh tế cho thu nhập cao, như: xoài cát chu 500 triệu đồng/ha, xoài Đài Loan thu nhập trên 500 triệu/ha/năm, thanh long thu nhập trên 600 triệu/ha/năm, nhãn xuồng thu nhập trên 300 triệu/ha/năm; cá tra thu nhập 1 tỉ đồng/ha/năm...
Để có đầu ra ổn định, xã An Thạnh 1 đã hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ nông sản chủ lực tại địa phương. Trong số đó, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp An Phát bước đầu đã liên kết tiêu thụ xoài với một số doanh nghiệp ngoài tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Ông Nguyễn Long Đỗng, ở ấp An Thường cho biết: “Nhờ tham gia HTX nên 7.000m2 trồng xoài cát chu của gia đình chúng tôi có giá hơn, bởi khi được hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo quy trình VietGAP thì năng suất tăng lên. Nếu trước đây chỉ canh tác theo lối truyền thống thì một vụ xoài tôi thu nhập chỉ hơn 30 triệu đồng, nay một vụ đã tăng lên đến 60 triệu đồng trở lên, chi phí đầu tư cũng giảm hơn”.
Hiện nay, tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo trên địa bàn xã An Thạnh 1 không lớn khi toàn xã chỉ còn 17 hộ nghèo, chiếm 0,87% hộ dân trong toàn xã, thu nhập bình quân đầu người trên 60 triệu đồng/người/năm. Bằng những giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm nâng cao các tiêu chí, đến nay xã An Thạnh 1 đã cơ bản hoàn thành xã NTM nâng cao và đang được thẩm định hồ sơ để được công nhận trong thời gian sớm nhất.
Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM
Thời gian qua, trên cơ sở kế hoạch triển khai tái cơ cấu trên từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, UBND huyện Cù Lao Dung đã chỉ đạo ngành nông nghiệp cụ thể hóa thành các mô hình, dự án cụ thể theo mục tiêu, định hướng của đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Theo đó, huyện tiếp tục chuyển đổi cây mía sang cây trồng có hiệu quả, cây ăn trái phát triển theo hướng gắn với phát triển du lịch miệt vườn, du lịch về nguồn; chăn nuôi tập trung vào phát triển đàn bò thịt; nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển ở các xã theo quy hoạch của tỉnh. Ðến nay, có 6/7 xã đạt tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất, thu nhập bình quân đầu người của các xã tăng đáng kể, từ 25,06 triệu đồng/người/năm năm 2010, đến năm 2019 đã tăng lên 42,62 triệu đồng/người/năm.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung được cấp mã số vùng trồng như: vùng trồng xoài cát chu, vùng trồng xoài Đài Loan tại xã An Thạnh 1; vùng trồng thanh nhãn tại xã An Thạnh Tây; vùng trồng nhãn Ido tại tại xã An Thạnh Nam. Trong phát triển sản xuất, huyện đang tập trung cho 5 cây trồng chủ lực gồm: xoài, bưởi, nhãn, thanh long và dừa, những loại cây trồng được định hướng phát triển gắn với liên kết đầu ra. Huyện cũng đã tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể cho trên 5 loại trái cây, trong đó có các loại cây ăn trái này.
Trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ dân đã chuyển đổi tốt từ diện tích trồng mía kém hiệu quả sang cây trồng khác. Tuy nhiên trong chuyển đổi cây trồng còn gặp khó khăn do nhiều hộ trồng mía đã lâu nên khi chuyển qua cây ăn trái phải chịu khó thích nghi với lối canh tác mới do cây ăn trái đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc nhiều hơn so với cây mía. Ngoài ra, nguồn lực để đầu tư chuyển đổi từ mía sang cây ăn trái của nhiều nông dân còn hạn chế, phần lớn nông dân đang còn nợ ngân hàng. Tổ chức sản xuất thông qua tổ hợp tác, HTX bước đầu hình thành nhưng liên kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp còn hạn chế.
Để đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung Nguyễn Văn Đắc cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn khảo sát, thẩm định điều kiện đất đai để tiến hành hỗ trợ giống cây trồng trong vùng trồng cây ăn trái tập trung; hỗ trợ các HTX đổi mới tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Phát triển tổ chức sản xuất nhằm mục tiêu từng bước thay đổi hình thức sản xuất nông nghiệp truyền thống, lạc hậu để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp ở khu vực nông thôn. Do vậy, Cù Lao Dung đang tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, khuyến khích người dân tham gia, đồng thời quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động HTX gắn với thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM.
Theo THIỆN HẢI (Báo Sóc Trăng)
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Cù Lao Dung có 4/7 xã đạt chuẩn xã NTM, gồm: xã An Thạnh 1, An Thạnh 2, An Thạnh Tây và xã An Thạnh Đông. Xã An Thạnh Nam và Đại Ân 1 đã đạt từ 13 tiêu chí trở lên. Dự kiến trong năm nay ngoài xã An Thạnh 1 sẽ được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao thì còn có xã An Thạnh 3 cũng sẽ được công nhận đạt chuẩn xã NTM. |