Để tôm nuôi phát triển tốt nhất, với những nơi có điều kiện phù hợp nên thiết kế xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: TL
Thông qua dự báo thời tiết của Đài Khí tượng Thủy văn Sóc Trăng cùng các hoạt động chỉ đạo thả giống tôm nuôi nước lợ trên địa bàn tỉnh năm 2022, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ tôm nuôi nước lợ theo lịch mùa vụ từng năm (đặc biệt là trong các tháng mùa mưa) nhằm đảm bảo việc thả tôm nuôi nước lợ theo đúng lịch mùa vụ, cũng như chăm sóc tốt diện tích tôm đã thả nuôi trước đó và trước tình hình mưa xảy ra trên diện rộng, kéo dài nhiều ngày trong các tháng 6, tháng 7-2022 sắp tới. Qua thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại, diện tích thả nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh hơn 32.628/51.000ha so với kế hoạch.
Theo đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, để quản lý, bảo vệ tốt diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh trong mùa mưa, các địa phương, cơ sở sản xuất, hợp tác xã và người nuôi tôm cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trong cải tạo ao nuôi như: gia cố, đầm nén bờ ao, nhất là khu vực gần sông có nguy cơ ngập lụt hoặc sạt lở, thiết kế lại ao nuôi cho hợp lý, bo tròn các góc ao, có thể thiết kế hố xiphông giữa đáy ao; còn đối với những nơi có điều kiện phù hợp thì khuyến khích thiết kế xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm lót bạt đáy, hoặc bạt bờ, hoặc đáy lưới có xiphông đáy ao. Cần cải tạo ao thật kỹ để loại bỏ các vật chủ trung gian mang mầm bệnh và ảnh hưởng đến đường ruột của tôm như cua, tép, hến…
Song song đó, người nuôi tôm cần theo dõi môi trường thường xuyên và điều chỉnh các yếu tố môi trường sao cho ổn định, tối ưu cho tôm nuôi trong giai đoạn này như độ pH trung bình 7.5, độ kiềm từ 120mg/l, độ trong 20 - 35cm, oxy hòa tan lớn hơn 4mg/l. Tránh hiện tượng tôm sốc do môi trường hoặc khí độc NH3, NO2, H2S trong ao quá cao là điều kiện để tôm bị bệnh về vi khuẩn - môi trường (cụt râu - mòn đuôi, đen mang, đốm đen, khó lột xác) cũng như điều kiện để bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là đốm trắng, phân trắng, hoại tử gan tụy cấp. Bón vôi CaCO3 xung quanh bờ ao và trong ao, tránh trường hợp pH giảm thấp do mưa nhiều dẫn đến khí độc H2S tăng cao ở đáy ao, nhất là ao đất. Theo dõi màu nước ao nuôi, để tránh tình trạng ao nuôi tảo phát triển quá mức, có màu xanh đậm, xanh đen và có nhiều lợn cợn. Khi thấy có hiện tượng thay đổi màu nước, rớt tảo (nước trong lại) cần tăng cường xử lý vi sinh làm sạch môi trường nước và đáy ao nuôi. Cần dự trữ các vật tư đầu vào cần thiết trong giai đoạn này như: vôi, chế phẩm sinh học, oxy viên… để kịp thời xử lý trong trường hợp cấp bách.
Bên cạnh đó, trong thời điểm thời tiết lạnh, mưa dầm, nhiệt độ trong môi trường nước giảm thấp có thể chủ động giảm 30 - 50% lượng thức ăn hoặc cắt cữ tôm ăn, sau đó thời tiết ổn định lại thì tăng cường lượng thức ăn trở lại và tăng cường sử dụng vi sinh men tiêu hóa để hỗ trợ đường ruột, giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn, làm sạch môi trường nước ao nuôi. Hạn chế sử dụng kháng sinh phòng ngừa bệnh, thay vào đó thường xuyên sử dụng các loại thảo dược nói chung để bổ sung vào thức ăn tôm như: củ tỏi, trái cau, lá mật gấu, thức ăn lên men…
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng thông tin: “Để vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022 của tỉnh tiếp tục thành công và đạt theo kế hoạch đề ra với diện tích thả nuôi 51.000ha, sản lượng tôm thu về 196.000 tấn, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ diện tích tôm nuôi trong các tháng mùa mưa, đồng thời triển khai các giải pháp nhằm đạt và vượt sản lượng tôm nuôi vào cuối năm bằng cách tập trung hộ nuôi nhỏ lẻ với nhau thành hợp tác xã, tổ hợp tác, thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào gắn thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ để người nuôi có kế hoạch sản xuất tối ưu; tiếp tục thực hiện công tác quan trắc môi trường, cảnh báo môi trường, dịch bệnh…”.
Qua chia sẻ của lãnh đạo các đơn vị chuyên môn trong bảo vệ con tôm nuôi nước lợ trong những tháng mùa mưa, các địa phương, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm có thêm các thông tin cần thiết nhằm áp dụng đảm bảo thắng lợi trong vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022.
Theo Báo Sóc Trăng