Sóc Trăng: Sen nở trên đất lúa

06/10/2023 - 09:53

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên việc canh tác lúa trong vụ Hè - Thu tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiệu quả kinh tế thấp. Đặc biệt, tại một số địa phương vùng trũng như: Thạnh Trị, Mỹ Tú và thị xã Ngã Năm thì trong vụ lúa Hè - Thu thường gặp rủi ro về thời tiết, làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. Thấy vậy, nhiều nông dân vùng trũng đã chuyển đổi cây trồng khác thay thế cây lúa, trong đó có ông Huỳnh Văn Đúng, ấp Phước Thới B, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú. Ông Đúng đã đưa cây sen trồng lấy gương trên nền đất lúa vụ Hè - Thu, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Khi tôi hỏi lý do lựa chọn cây sen, ông Đúng tâm tình: “Mấy mươi năm làm lúa 2 vụ/năm, thực tế thì chỉ có vụ lúa Đông - Xuân mới có lợi nhuận tốt, còn vụ lúa Hè - Thu chịu tác động lớn từ thời tiết như: áp thấp nhiệt đới, mưa dông, kể cả giá bán lúa không được tốt nên thường lợi nhuận thấp, thậm chí còn bị thua lỗ. Tuy nhiên, ruộng không thể bỏ trống trong nhiều tháng kéo dài sau thu hoạch lúa Đông - Xuân nếu không làm lúa Hè - Thu. Trong rất nhiều ngày trăn trở tìm cây trồng phù hợp thay thế lúa vụ Hè - Thu, tôi đã biết đến cây sen trồng lấy gương thông qua sự tuyên truyền của ngành chuyên môn và địa phương. Nhận thấy đây là cây trồng phù hợp nên năm 2021, tôi quyết định mua giống sen lấy gương về trồng với diện tích đất 5.000m2".

Ông Huỳnh Văn Đúng, ấp Phước Thới B, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) bên ruộng sen trồng xen canh lúa cho thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo ông Đúng, cây sen từ lúc trồng đến lúc thu hoạch gương khoảng 3 tháng và thời gian thu hoạch gương kéo dài trong suốt 3 tháng thì đến mùa vụ xuống giống lúa Đông - Xuân. "Trồng sen 6 tháng, tôi tiến hành dọn bỏ sen và cải tạo đất xuống giống lúa. Vụ sen đầu tiên cho lợi nhuận tốt. Trong năm 2022, tôi mở rộng thêm 5.000m2, nâng diện tích trồng sen lên 1ha và vẫn duy trì diện tích 1ha trồng sen thay thế vụ lúa Hè - Thu (năm 2023) này”, ông Huỳnh Văn Đúng chia sẻ thêm.

Điểm nổi bật của trồng cây sen là không tốn nhiều thời gian chăm sóc; lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dùng bón và phun xịt cho ruộng sen cũng ít hơn 20 - 30% so với lúa. Đầu ra của gương sen rất tốt, giá bán không có nhiều biến động, đảm bảo lợi nhuận tốt cho người trồng. Hiện nay, 1ha sen cho thu hoạch gương đến hết vụ (3 tháng) khoảng 5 tấn, giá bán 15.000 - 28.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 40 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa.

“Diện tích trồng sen trên địa bàn huyện ước 100ha, sen trồng theo hình thức chuyên canh và xen canh. Những năm gần đây, ngoài trồng chuyên canh, hình thức trồng xen canh 1 vụ lúa, 1 vụ sen phát triển khá mạnh ở các xã vùng trũng như: Mỹ Phước, Mỹ Tú, Long Hưng và Mỹ Thuận, bởi đây là mô hình vừa tăng năng suất lúa, vừa giảm sâu bệnh trên sen, góp phần tăng lợi nhuận cho bà con nông dân trên cùng diện tích đất sản xuất. Loại sen được chọn trồng chủ yếu tại các địa phương là sen lấy gương. Thuận lợi của bà con trồng sen lấy gương trên địa bàn huyện là có cơ sở thu mua gương sen quanh năm để sơ chế, đóng gói nên đầu ra cho gương sen rất tốt. Tới đây, huyện có quy hoạch đối với vùng trũng không nhất thiết sản xuất lúa 2 vụ/năm, mà có thể chuyển sang sản xuất 1 vụ lúa và trồng 1 vụ sen, nhằm đảm bảo tính bền vững của việc sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu”, đồng chí Nguyễn Thanh Điền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú thông tin.

Theo THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng)