Chú trọng chất lượng
Hiện các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa phục vụ người dân trong dịp tết Nguyên đán 2024 đã được các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống bày bán. Trong số đó, bánh, mứt, nước ngọt, trái cây… là mặt hàng chiếm ưu thế. Tại Siêu thị Ánh Quang Plaza (thành phố Sóc Trăng), các kệ hàng phục vụ thị trường Tết đã được siêu thị trưng bày hơn 1 tuần. Ngoài các mặt hàng ngoại nhập thì hàng trong nước và nội địa tỉnh được siêu thị nhập về để phục vụ người dân. Anh Văn Kim Quang - Quản lý Siêu thị Ánh Quang Plaza cho biết, hiện yêu cầu tiêu dùng của người dân khá cao, nhất là nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, siêu thị luôn chọn và nhập hàng từ các đối tác uy tín. Đối với hàng ngoại thì phải có tem phụ của nhà nhập khẩu, nhà phân phối, hạn sử dụng. Hàng trong nước phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn sử dụng, bao bì các loại bánh, kẹo, sữa phải được đóng kín theo quy định.
“Tết năm nay, người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng trong và ngoài tỉnh khá nhiều như gạo ST24, ST25; bánh pía; đông trùng hạ thảo, mật ong… vì giá cả phải chăng, mẫu mã đẹp, chất lượng sản phẩm đảm bảo. Nên hàng hóa phục vụ thị trường Tết 2024 tại siêu thị được chia đều 50% hàng nội, 50% hàng ngoại nhập” - anh Quang thông tin.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các loại bánh, mứt… tại các siêu thị trong tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG LAN
Phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vào dịp cuối năm và tết Nguyên đán 2024, Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng dự trữ nguồn hàng trị giá khoảng 70 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng được sử dụng cao trong những ngày Tết. Theo chị Đặng Ngọc Uyên Phương - Phó Giám đốc Co.opmart Sóc Trăng, năm nay tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Để chia sẻ với người tiêu dùng, siêu thị có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu để ai cũng có điều kiện mua sắm trong dịp Tết với những sản phẩm, hàng hóa chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại Co.opmart Sóc Trăng.
Bà Lý Thị Đào - Chủ cửa hàng Hải Quốc (thành phố Sóc Trăng) cho biết, người tiêu dùng bây giờ rất khó tính, hàng hóa không nhãn mác, hạn sử dụng… là họ sẽ không mua. Để giữ uy tín và lượng khách ổn định, cửa hàng chọn nhập các mặt hàng có thương hiệu, uy tín nhiều năm trên thị trường để phục vụ người dân, nhất là trong dịp Tết.
Tăng cường kiểm soát
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm minh các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, ý thức người dân trong mua bán, sử dụng các sản phẩm, hàng hóa ngày càng được nâng cao. Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn từ đầu năm đến nay có diễn ra nhưng giảm về quy mô và tính chất. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát, trong năm 2023, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 650 lượt, phát hiện và xử lý trên 500 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 6,3 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là mua bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng hóa chưa thực hiện công bố sản phẩm, không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, hàng hóa không đạt chất lượng…
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hiền - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng cho biết, cuối năm và dịp tết Nguyên đán 2024 là thời điểm nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra nhiều hơn so với những thời điểm khác trong năm. Các đối tượng thường tập kết, cất giấu hàng hóa vi phạm tại kho hoặc khu vực ít người qua lại; vận chuyển, bày bán xen lẫn với các loại hàng hóa khác nhằm tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng; hoặc lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để mua bán, vận chuyển, trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để kinh doanh, vận chuyển đến tay người tiêu dùng.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hiền - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng (bìa trái) tuyên truyền cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong mua bán hàng hóa chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ảnh: HOÀNG LAN
Nhằm đảm bảo người dân vui xuân, đón Tết vui tươi, an toàn, Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ bám sát vào các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh. Đơn vị đã ban hành và hiện đang triển khai thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn tỉnh và kế hoạch sẽ được triển khai đến hết ngày 29/2/2024. Trong đợt cao điểm này, đơn vị tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán như: bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, pháo hoa các loại.… Đặc biệt, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường còn tập trung vào các tuyến lưu thông, rà soát các kho hàng, điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, làng nghề… Đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và phối hợp đấu tranh phòng, chống các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... trên môi trường thương mại điện tử. Song song đó, thông qua công tác kiểm tra, đơn vị cũng phối hợp tuyên truyền các quy định pháp luật đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhằm hạn chế các trường hợp vi phạm, đảm bảo hàng hóa đến tay người dân an toàn, chất lượng, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bình ổn thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán 2024.