Sóc Trăng: Thanh niên tiêu biểu vượt khó, sáng tạo khởi nghiệp

02/01/2024 - 10:58

Thông qua phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, Huyện đoàn Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã đồng hành, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên. Anh Nguyễn Văn Nhí, ấp Hòa Bạch, xã Hòa Tú 2 là một trong nhiều điển hình thanh niên tiêu biểu vượt khó khởi nghiệp tại địa phương.

Nhận thấy việc sản xuất của gia đình không còn hiệu quả do đất đai bạc màu, cứ sau mỗi vụ thu hoạch tôm, lời ít mà lỗ thì nhiều, anh Nhí đã tự hỏi, tại sao mình không chuyển đổi sang nuôi con gì khác phù hợp, cho thu nhập tốt hơn? Nói đi đôi với làm, anh Nhí bắt đầu hành trình học hỏi kinh nghiệm và tích lũy vốn để lập nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Nhí, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tự tin khởi nghiệp với mô hình nuôi chồn hương, dúi… tại gia đình. Ảnh: HOÀNG LAN

Với nỗ lực của bản thân cùng sự hỗ trợ, sát cánh của tổ chức đoàn, anh Nhí đã thành công bước đầu trên con đường lập nghiệp. Anh Nhí bộc bạch: “Với ý định từ trước, tôi chọn tỉnh Long An để xin việc làm, cuối tuần tranh thủ đến các hộ nuôi chồn, nuôi dúi để tham quan, học hỏi. Khi thấy bản thân đủ tự tin và có ít vốn, tìm được nguồn giống vật nuôi cũng như đầu ra, tôi đã quay về quê phát triển kinh tế gia đình”. Nhờ sự hỗ trợ của Đoàn xã Hòa Tú 2, cuối năm 2022, anh Nhí được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội, kết hợp với số vốn tự có, anh đầu tư mua 7 con chồn hương, 7 con dúi, 4 con dê, với số tiền 80 triệu đồng cộng luôn chi phí chuồng trại. Qua khoảng thời gian chăm sóc, bầy dê phát triển gần 20 con, đã xuất bán 2 lần, thu lãi 10 triệu đồng; chồn, dúi thì đang phối giống và anh Nhí cũng dự tính làm thêm chuồng để mở rộng diện tích nuôi.

Theo anh Nhí, lý do anh chọn các vật nuôi này là vì công chăm sóc nhẹ, nguồn thức ăn (tre, khoai lang, điên điển, cá…) sẵn có tại gia đình và địa phương. Đặc biệt, chồn hương, dúi, dê phối giống dễ, khả năng đạt cao, tỷ lệ sinh sản dày. Đối với chồn, mỗi năm đẻ 2 - 3 lứa (mỗi lứa 3 - 5 con), dúi mỗi năm đẻ 3 - 4 lứa (mỗi lứa 3 - 6 con), dê mỗi năm đẻ 2 lứa (mỗi lứa từ 2 - 4 con). Hiện, giá bán chồn hương giống ở mức 1,6  - 1,7 triệu đồng/kg, chồn thịt có giá 400.000 - 500.000 đồng/kg; dúi giống mỗi ký 1 triệu đồng, còn dúi thịt tương đương giá chồn thịt; dê thịt thì ở mức 70.000 - 80.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, anh Nhí còn phát triển mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa - đây là mô hình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cho thanh niên do Ban Thường vụ Huyện đoàn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên triển khai thực hiện vào tháng 11/2023. Qua đó, anh Nhí được hỗ trợ 200 hộp nhựa cùng cua giống với chi phí 8 triệu đồng, sau thời gian chăm sóc, bán và thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Anh Nhí cho biết, nuôi cua trong hộp nhựa việc cho ăn rất tốn thời gian vì phải bỏ thức ăn vào từng hộp nhưng hiệu quả mang lại rất cao so với nuôi cua thả lang trong ao. Bởi tỷ lệ cua sống đạt 90 - 95%, việc chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh cua trong hộp rất tiện. Bên cạnh đó, không cần diện tích nuôi lớn, chủ động nguồn thức ăn (ốc bươu vàng, cá tươi…). Khi nhận cua giống, anh Nhí dưỡng cua trong ao khoảng 2 tháng, khi cua đạt trọng lượng từ 200 - 250 gram thì cho cua vào hộp, treo vào thanh tre nằm cách dưới mặt nước khoảng 15cm. Trong thời gian từ 15 - 45 ngày được nuôi trong hộp, cua sẽ lột và đây cũng là thời điểm thu hoạch. Đối với cua lột, mỗi ký có giá từ 400.000 - 500.000 đồng (tùy thời điểm), cua thịt có giá 200.000 - 250.000 đồng/kg.

Anh Nhí phấn khởi cho biết, nhờ sự hỗ trợ từ tổ chức đoàn thông qua phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp mà anh đã chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả. Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục phát triển các mô hình, phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội ngay chính trên mảnh đất quê hương.

Theo HOÀNG LAN (Báo Sóc Trăng)