Sóc Trăng: Thứ trái đặc sản xanh cắn chát xít, chín ăn ngọt lừ, nông dân bắt tay nhau bán sang Mỹ

19/11/2021 - 09:19

Nhờ liên kết trong sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, các xã viên của một hợp tác xã trồng vú sữa tím ở Sóc Trăng đã đưa sản phẩm xuất ngoại. HTX này đã bán hàng trăm tấn trái đặc sản này sang thị trường Mỹ.

Đầu tư mạnh cho loại trái đặc sản nhìn là muốn cắn ngay

Những năm gần đây, mô hình kinh tế tập thể được các địa phương ở Sóc Trăng hết sức quan tâm và chủ trương khuyến khích thực hiện. 

Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) đã góp phần tạo nâng cao giá trị hàng hóa, tạo việc làm; đồng thời tạo ra sự liên kết, hợp tác, tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển.

Được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, các ngành chức năng có liên quan, HTX nông nghiệp vú sữa tím Lộc - Mãi (ấp 3, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách) được ra đời.

Tiền thân của HTX nông nghiệp vú sữa tím Lộc - Mãi là tổ hợp tác Lộc - Mãi. Hiện HTX do anh Sử Quốc Lộc làm Giám đốc, có 33 xã viên, vốn điều lệ ban đầu là 145 triệu đồng. HTX có tổng doanh thu hằng năm là hơn 2,8 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân là là gần 2,6 tỷ đồng/năm.

Vú sữa tím là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Ảnh: Chúc Ly.

 Thời gian gần đây, HTX nông nghiệp vú sữa tím Lộc - Mãi nổi lên một trong những HTX làm ăn có hiệu quả và đem lại lợi nhuận cao cho các bà con xã viên, là gương điển hình trong mô hình kinh tế tập thể. Với mô hình trồng trái vú sữa tím, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, anh Sử Quốc Lộc chia sẻ: "Trong quá trình trồng vú sữa, HTX luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của ngành nông nghiệp. Trong đó có việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn về cách trồng, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và cách nuôi dưỡng bao bọc trái theo quy trình VietGAP để đảm bảo an toàn thực phẩm..."

Ngoài ra, xã viên còn được đi học tập kinh nghiệm trồng vú sữa ở trong và ngoài tỉnh. Chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ HTX thực hiện tốt công tác điều hành sản xuất...

HTX nông nghiệp vú sữa tím Lộc - Mãi là HTX nổi tiếng trong sản xuất và làm ăn hiệu quả. Ảnh: CTV.

"Nhờ vậy, các khâu thủy lợi, làm đất, cây trồng, cơ cấu giống và lịch thời vụ đúng quy định nên hạn chế được rủi ro trong trồng vú sữa tím, giúp xã viên cùng nhau phát triển. HTX đang thương thảo với một số doanh nghiệp thu mua để liên kết bao tiêu sản phẩm cho xã viên", anh Lộc cho hay.

Xuất khẩu vú sữa tím sang Mỹ, nông dân tăng thu nhập

Là một HTX còn non trẻ, nhưng các thành viên luôn đồng lòng, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng vú sữa tím, từ khâu làm bông, ra hoa, bọc trái, đến khi thu hoạch, đóng trái. 

Đồng thời, chủ động nắm bắt thị trường tạo đầu ra cho sản phẩm, ký kết hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp để xuất khẩu vú sữa tím. Mỗi năm, HTX sản xuất khoảng 1.000 tấn vú sữa tím.

Nhờ sử dụng bao trái nilon nên vú sữa tím có mẫu mã và chất lượng nâng lên. Ảnh: Cẩm Tiên.CTV.

Vượt qua những khó khăn trong xuất khẩu do đại dịch Covid-19, những năm qua HTX vẫn liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng trăm tấn vú sữa tím sang thị trường Hoa Kỳ. 

Trong niên vụ 2020-2021, HTX đã xuất khẩu được hơn 53 tấn vú sữa tím; với giá 30.000 đồng/kg, cao hơn thị trường từ 10.000-20.000 đồng/kg. Nhờ đó, xã viên đạt lợi nhuận từ 280-300 triệu đồng/năm.

Theo các xã viên, hiện nông dân đã mạnh dạn trong khâu đầu tư, nhà vườn đã chuyển sang bao trái bằng túi nilon (được cải tiến) giúp trái vú sữa tím mau lớn, năng suất cao, mẫu mã đẹp hơn so với các loại túi bao trái khác. 

Bọc túi nilon trong suốt cũng giúp quan sát được mức độ chín của trái vú sữa, nên thuận lợi hơn khi thu hoạch, không bị ruồi đục trái gây hại, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chi phí thấp và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Vú sữa tím được nhân công chuẩn bị để đưa đi xuất khẩu. Ảnh: CTV.

Hiện tại thời gian cho trái thu hoạch của vú sữa tím tại HTX bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Hướng sắp tới, HTX đang phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu tìm kỹ thuật cho trái rải vụ để kéo dài thời gian thu hoạch trái vú sữa tím từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, góp phần tăng thêm năng suất cho các xã viên.

Có được một HTX lớn mạnh như ngày nay là kết quả của sự đồng lòng, đoàn kết của một tập thể với quyết tâm giúp nhau làm giàu bền vững. HTX đang ngày càng lớn mạnh khi có thêm nhiều hộ tham gia trồng vú sữa tím, tạo công ăn việc làm cho 15-20 lao động tại chỗ, mức lương từ 5-6 triệu đồng/tháng đối với lao động thường xuyên.

Theo Dân Việt