Sóc Trăng: Vượt khó nuôi khát vọng

07/11/2022 - 09:38

Khó từ chiếc thẻ vàng của EU, từ giá xăng dầu, ngư cụ tăng cao, khó từ thời tiết diễn biến thất thường và khó cả những chuyến biển thất bát vì sản lượng và giá bán thấp. Đó là thực trạng của nghề khai thác biển từ đầu năm đến nay mà ngư dân đã phải nỗ lực hết mình mới có thể bám biển, vươn khơi để tiếp tục nuôi khát vọng làm giàu từ biển.

Ngày 2/11/2022 vừa qua là đúng 25 năm ngày cơn bão số 5 (tên quốc tế là Linda) càn quét và gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ, trong đó có tỉnh Sóc Trăng. Trong bộn bề hậu quả do bão để lại, những nhà làm chính sách, những ngư dân yêu biển cũng bắt đầu nhận ra con đường để làm giàu từ biển không gì khác là phải vươn khơi xa hơn trên những con tàu lớn hơn, trang thiết bị hiện đại hơn, hợp tác cùng nhau chặt chẽ và thực chất hơn, đồng thời phải tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực đánh bắt của quốc gia cũng như thế giới.

Nụ cười trúng mùa hiếm hoi của ngư dân trong chuyến khai thác mùa biển năm 2022. Ảnh: TÍCH CHU

Sự thay đổi từ trong tư duy cùng tầm nhìn về biển rộng hơn, sâu hơn đã giúp đội tàu khai thác của tỉnh không chỉ tăng về số lượng mà quy mô công suất và mức độ hiện đại hóa cũng ngày một cao hơn. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, hiện toàn tỉnh có 999 tàu cá, trong đó, tàu khai thác xa bờ là 338 chiếc. Sự ra đời của đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá là một minh chứng rõ nét của sự kết nối giữa biển với bờ ngày một gần hơn, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, con đường hiện thực hóa khát vọng làm giàu từ biển của ngư dân cũng không hề dễ dàng chút nào khi thiên tai, dịch bệnh cùng sự bất ổn của thị trường đang ngày càng khốc liệt hơn, khó lường hơn. Trong 5 năm gần đây, ngành khai thác đang phải hứng chịu tác động lớn từ chiếc thẻ vàng của Liên minh châu Âu (EU) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Dù là chiếc thẻ vàng trực tiếp cho sản phẩm chế biến xuất khẩu, nhưng nó cũng gián tiếp tác động mạnh đến ngành khai thác biển, bởi một khi sản phẩm khai thác, chế biến không xuất khẩu được, thị trường tiêu thụ sẽ teo tóp lại và hệ lụy là giá bán sẽ sụt giảm mạnh, hiệu quả nghề khai thác vì thế cũng khó có thể bù đắp cho mỗi chuyến ra khơi.

Chưa hết lao đao vì chiếc thẻ vàng IUU, ngành khai thác lại phải hứng chịu tác động lớn trong suốt gần 1 năm trời vì dịch bệnh Covid-19. Hàng loạt con tàu đã phải nằm bờ để chống dịch trong nỗi buồn cùng sự lo lắng của ngư dân. Khi dịch bệnh được khống chế, những con tàu lũ lượt ra khơi mang theo nhiều kỳ vọng từ những chuyến biển bội thu về sản lượng và bán được giá cao. Tuy nhiên, sự kỳ vọng đó cũng không kéo dài được bao lâu, khi tình hình chính trị thế giới có sự bất ổn, đẩy giá xăng dầu, ngư lưới cụ lên cao, làm tăng chi phí cho mỗi chuyến ra khơi.

Có thời điểm giá dầu lên đến 30.000 đồng/lít khiến khoảng 80% số tàu phải nằm bờ, hoặc hoạt động cầm chừng. Giá dầu không chỉ tăng cao mà có lúc còn khan hiếm nên hoạt động khai thác của ngư dân cũng không được thường xuyên. Cũng chính sự bất ổn giá xăng dầu, lương thực thế giới đã gây nên tình trạng lạm phát, làm sức tiêu dùng giảm mạnh kéo theo giá sản phẩm khai thác giảm theo, lợi nhuận của ngư dân teo tóp lại, thậm chí có chuyến biển không còn lợi nhuận, nhiều tàu lại phải tiếp tục nằm bờ, nghỉ ngơi bất đắc dĩ.

Việc EU phạt thẻ vàng là một thách thức lớn cho ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam. Tuy nhiên, cũng giống như cơn bão số 5 cách nay 25 năm, việc EU rút thẻ vàng lần này, cũng giúp cho ngành khai thác hải sản đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, từng bước hiện đại hóa, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đây là điều bắt buộc phải làm và hơn thế nữa, chúng ta còn phải tuân thủ luật chơi trong một sân chơi mang tính toàn cầu.

Để hiện thực hóa khát vọng vươn ra biển lớn, làm giàu từ biển, ngành khai thác biển lại phải tiếp tục vượt qua những thử thách mới ngày một lớn hơn, khó khăn hơn, mà trước mắt là làm sao để EU rút lại thẻ vàng, là làm sao hạn chế, tiến tới chấm dứt những hình thức khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường biển để biển ngày một dồi dào nguồn lợi hơn. Một mùa vụ khai thác cuối năm sắp kết thúc và gần như chắc chắn rằng đây lại là một năm đầy khó khăn đối với ngư dân. Hy vọng “sau cơn mưa trời lại sáng” để khát vọng vươn khơi làm giàu từ biển vẫn cháy bỏng trong lòng mỗi ngư dân.

Theo Báo Sóc Trăng