Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng chất vấn lãnh đạo các sở, ngành tại kỳ họp thứ 8. Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Trả lời kiến nghị cử tri về giải pháp tìm “đầu ra” cho nông sản, đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, thời gian qua việc quản lý chất lượng nông sản được ngành Nông nghiệp thực hiện thông qua các mô hình sản xuất an toàn, xây dựng mã số vùng trồng nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng được 77 mã số vùng trồng trên cây vú sữa, bưởi, xoài, nhãn và đang tiếp tục xây dựng mã số vùng trồng cho cây sầu riêng, nhãn da bò để xuất khẩu sang thị trường ngước ngoài.
Ngành Nông nghiệp đã phối hợp với Tổ 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các địa phương để kết nối với các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; phối hợp với Bưu điện tỉnh, Viettel Post Sóc Trăng, VNExpress, CoopLink hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Sóc Trăng. Hướng tới ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt hơn nữa việc liên kết tiêu thụ nông sản.
Tiếp tục phát triển vùng trồng hành tím tại TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Trong thực hiện quy hoạch vùng cây trồng, định hướng trồng những loại cây có giá trị kinh tế, đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã thông tin rằng, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND, ngày 30-12-2021 về việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu nâng cao tỷ lệ sản xuất lúa đặc sản, lúa chất lượng cao gắn với phát triển cánh đồng lớn, xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái tập trung. Để thực hiện các mục tiêu đó, ngành Nông nghiệp đang triển khai xây dựng Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản giai đoạn 2022 - 2025 (tập trung xây dựng 21 vùng sản xuất lúa đặc sản có liên kết tiêu thụ); Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; tiếp tục phát triển vùng trồng hành tím tại TX. Vĩnh Châu, trồng rau an toàn tại huyện Mỹ Xuyên, TP. Sóc Trăng, huyện Trần Đề, huyện Châu Thành (Sóc Trăng).
“Để thực sự mang lại giá trị kinh tế, người dân không nên sản xuất tự phát mà cần theo quy hoạch của địa phương, quan trọng hơn cả là sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì sản xuất mới bền vững” - đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã nhấn mạnh.
Trên lĩnh vực y tế, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, một trong những giải pháp quan trọng mà ngành Y tế đang tập trung triển khai thực hiện là hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật. Giai đoạn 2016 - 2020, ngành Y tế đã được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị đối với 2 bệnh viện lớn tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi; nhiều loại thiết bị đưa vào phục vụ phát triển chuyên môn, trong đó một số thiết bị kỹ thuật cao như hệ thống chụp mạch máu phục vụ can thiệp tim mạch, máy CT scanner 128 lát cắt, máy cộng hưởng từ, xét nghiệm sinh hóa, huyết học tự động...
Giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị ngành Y tế. Theo đó, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết để đầu tư dự án sửa chữa, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị y tế chuyên dùng và thay thế thiết bị hết hạn sử dụng cho các đơn vị y tế trong tỉnh bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn như: Trung tâm Y tế huyện Mỹ Tú; Trung tâm Y tế huyện Long Phú, Trung tâm Y tế huyện Thạnh Trị; Trung tâm Y tế TX. Ngã Năm; Trung tâm Y tế TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng)... Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Y tế cũng bố trí khoảng 10 tỷ - 20 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp để đầu tư, mua sắm bổ sung trang thiết bị thay thế các thiết bị hư hỏng, hết hạn mang tính cấp thiết không nằm trong các dự án đầu tư trung hạn cho các đơn vị y tế trực thuộc, trong đó chủ yếu là y tế tuyến cơ sở.
Trả lời kiến nghị cử tri về đề nghị xem xét không thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với trung tâm y tế tuyến huyện, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Trần Văn Khải khẳng định rằng việc thực hiện tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập là bắt buộc và đã thực hiện nhiều năm qua. Đồng chí Trần Văn Khải cũng cho biết, hiện nay, Sở Y tế đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án tự chủ của Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi, Trung tâm Giám định y khoa, Bệnh viện Quân Dân y và Bệnh viện 27 Tháng 2. Các đơn vị còn lại theo phương án tạm xác định và gửi về Sở Y tế được tạm phân loại tự chủ loại 3, loại 4 (đơn vị do ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí chi thường xuyên và đảm bảo toàn bộ) và chờ UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, sau đó tiến hành gửi Sở Tài chính thẩm định phương án tự chủ và phê duyệt giao quyền tự chủ.
Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng đánh giá các sở, ngành đã phát huy tinh thần trách nhiệm trong trả lời kiến nghị của cử tri. Đồng thời yêu cầu các ngành tiếp tục lắng nghe và tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm kịp thời tham mưu, giải quyết những nguyện vọng của nhân dân.
Theo Báo Sóc Trăng