Sóc Trăng xây dựng nông thôn mới

22/07/2019 - 08:12

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), từ một tỉnh thuần nông còn nhiều khó khăn, Sóc Trăng đã từng bước “thay da đổi thịt”, kết cấu hạ tầng và đời sống người dân vùng nông thôn đã được cải thiện đáng kể. Vùng đất “nắng bụi, mưa bùn”, đã và đang bừng lên sức sống mới …

Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn ở Sóc Trăng.

Khởi sắc vùng quê

Những ngày hè 2019, anh Lê Thanh Hồng lái xe ô-tô từ TP Hồ Chí Minh đưa các con về Sóc Trăng thăm họ hàng chỉ mất một buổi. Anh kể, trước đây về quê phải đi xe ô-tô rồi chuyển sang đi đò, mất cả ngày mới đến nơi. Ông Lương Văn A, cán bộ hưu trí ở xã Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên góp chuyện: Chỉ cách đây không lâu, về vùng nông thôn 6 xã của huyện này bằng xe máy là chuyện mơ ước của bao người. Bây giờ đường xe ô-tô thông thoáng, rồi điện thắp sáng, trường học, trạm y tế đều được Nhà nước đầu tư xây dựng. Có điều kiện thuận lợi, người dân nông thôn hăng hái lao động, tăng gia sản xuất, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn.

Thị xã Ngã Năm cũng được chọn làm điểm xây dựng NTM của tỉnh. Trước đây, đến Ngã Năm chỉ có con đường nhỏ với nhiều ổ gà, ổ voi có khi mất cả buổi mới đến nơi thì nay đường được trải nhựa thông thoáng, từ trung tâm tỉnh xe chạy chỉ mất hai giờ là đến nơi. Rồi từ trung tâm thị xã muốn đến được Vĩnh Quới, xã xa nhất của huyện Ngã Năm, bây giờ có tới năm tuyến đường ô-tô. Dọc theo tuyến lộ chính về xã, đường dây điện, cáp viễn thông giăng tỏa khắp các nhánh kênh. Ban đêm, đèn đường soi sáng giúp nhà nông các ấp vùng sâu vẫn kịp mang nông sản ra chợ.

Ðồng chí Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Sóc Trăng cho biết, 10 năm qua, tỉnh đã huy động hơn 6.000 tỷ đồng để xây dựng NTM. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đầu tư gần 200 tỷ đồng xây dựng hơn 200 công trình NTM. Ðến nay, toàn tỉnh có 32 trong tổng số 80 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 40% số xã của tỉnh và cao hơn bình quân khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Toàn bộ 109 xã, phường, thị trấn có trạm y tế, trong đó 100 trong tổng số 109 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 97 trong tổng số 109 trạm y tế có bác sĩ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế hơn 87%, hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%. Số học sinh đến lớp năm học 2018 - 2019 là 269.108 em, đạt 99,43%. Toàn tỉnh có 267 trong tổng số 523 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm hơn 51%. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2019, thêm 8 xã đạt chuẩn NTM; có 26 xã đạt 15 tiêu chí trở lên, các xã còn lại đạt 13 đến 14 tiêu chí; có ít nhất 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Sóc Trăng đã triển khai thực hiện có hiệu quả Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM. Các dự án phát triển về: lúa, đàn bò, cây ăn trái cùng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP như lúa, rau, cây ăn trái, tôm… đã góp phần đưa giá trị sản phẩm trồng trọt và thủy sản đạt 170 triệu đồng/ha, tăng 30 triệu đồng/ha so với ba năm trước. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2019, tỉnh đã có thêm gần 600 ha lúa, rau màu và cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và 104 nhà lưới, nhà màng gắn hệ thống tưới tự động với diện tích 5,7 ha. Tỉnh đã xây dựng 6 cửa hàng tiêu thụ nông sản an toàn, thiết lập 46,4 ha của 2 hợp tác xã (HTX) theo mã vùng… Toàn tỉnh hiện có 125 HTX nông nghiệp, với 8.191 thành viên. Tỉnh cũng đang thí điểm 15 mô hình HTX kiểu mới, chú trọng đưa cán bộ trẻ về làm việc. Nhờ đó, nhiều HTX hoạt động ổn định, phát huy tính liên kết của mô hình, giúp tăng thu nhập cho các thành viên. Sóc Trăng cũng xây dựng thành công nhiều nhãn hiệu nông sản mang tính đặc thù, tiêu biểu như "Gạo ST24" lọt vào tốp gạo ngon nhất thế giới...

Xây dựng NTM: Không có điểm dừng!

Có dịp về vùng nông thôn của tỉnh Sóc Trăng, càng thấy rõ người dân tích cực tham gia xây dựng NTM vì chương trình đáp ứng quyền lợi của họ. Long Ðức là xã thuần nông của huyện Long Phú, tình hình kinh tế - xã hội của xã rất khó khăn. Qua hơn tám năm xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của xã ngày càng khang trang, hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng nhiều. Xã xây dựng được HTX Nông nghiệp Hưng Lợi thực hiện việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, hợp đồng cung ứng lúa giống và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên, góp phần ổn định đầu ra trong sản xuất lúa. Thạnh Phú là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mỹ Xuyên, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống thuộc diện đầu tư hỗ trợ của Chương trình 135, giai đoạn 2017 - 2020. Trước khi triển khai xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo hơn 40%. Sau khi được đầu tư xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ vốn sản xuất cũng như xây dựng các mô hình làm kinh tế hiệu quả, Thạnh Phú đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn hơn 5%, vừa hoàn thành cơ bản tiêu chí NTM. Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo hơn 31%, Tham Ðôn đã được công nhận xã NTM của huyện Mỹ Xuyên. Các tuyến đường xã, đường liên xã đến đường huyện được rải nhựa hoặc thảm bê-tông, bảo đảm cho xe ô-tô đi lại thuận tiện, hơn 99% số hộ sử dụng điện. Các trường học đều đạt chuẩn, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của xã đạt 100%.

Trong 3 năm qua, Sóc Trăng huy động 417 tỷ đồng từ người dân để nâng cấp hạ tầng nông thôn. Tiêu biểu như mô hình "Nhịp cầu yêu thương" được triển khai rộng khắp toàn tỉnh với gần 300 cây cầu bê-tông rộng 2 đến 3 m được xây dựng, trị giá hàng trăm tỷ đồng đều do nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp. Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh vận động đóng góp cùng nguồn lực nhà nước đã đầu tư xây dựng sửa chữa trường học, đường, cầu giao thông nông thôn, nạo vét kênh thủy lợi, phát hoang bụi rậm, trồng cây xanh, xây dựng nhà ở… với tổng giá trị hơn 100 tỷ đồng. Trong số hàng chục hộ dân được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng đột xuất, tiêu biểu có gia đình ông Trình Huy Linh, ấp An Hòa, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách tổ chức vận động hiến 2.200 m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn và xây dựng đường vào nhà, làm hàng rào, cột cờ, trồng hoa kiểng trị giá hơn 400 triệu đồng.

Ðến nay, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Sóc Trăng giảm hơn 3%, hộ nghèo đồng bào Khmer giảm hơn 4,5%, thu nhập tăng, đạt mức bình quân 6,48 triệu đồng/người/năm. Hiện xe ô-tô đã đến được 79 trong tổng số 80 trung tâm xã. Toàn tỉnh có gần 89% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 722 trong tổng số 775 khu dân cư được công nhận đạt danh hiệu, giữ vững danh hiệu "Ấp, khóm văn hóa", 10 xã đạt chuẩn văn hóa NTM. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng.

Ðồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhận định, trên cơ sở kế thừa kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI của Ðảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hưởng ứng phong trào "Cả nước chung sức xây dựng NTM", việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Sóc Trăng đã đi vào thực chất, hiệu quả. Với nhận thức xây dựng NTM là quá trình liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, tỉnh sẽ phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí và hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu với mục tiêu chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tỉnh sẽ tập trung triển khai các đề án, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương về khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác làm cơ sở phát triển sản xuất hàng hóa lớn. Kêu gọi doanh nghiệp liên kết xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu và ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất.

"Xây dựng NTM phải gắn liền với chương trình xóa đói, giảm nghèo, phải đảm bảo thực chất, hiệu quả bền vững, không chạy theo thành tích. NTM phải do cộng đồng dân cư làm chủ, huy động nội lực chính trong nhân dân với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước thì công cuộc xây dựng NTM mới thành công và bền vững" - đồng chí Phan Văn Sáu khẳng định.

Theo Báo Nhân Dân