Nhiều khu đất kém hiệu quả ở huyện Long Mỹ đã được chuyển sang trồng tràm, được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực.
Từ lâu, lúa, khóm được xem là những loại cây trồng chủ lực của huyện Long Mỹ. Nhưng do còn nhiều đất lung, viên lang bãi bồi, nên những loại cây nông nghiệp này vẫn chưa thể phát huy hiệu quả. Những năm qua, huyện Long Mỹ luôn tạo điều kiện tối đa để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất kém hiệu quả sang một số loại phù hợp và cây tràm là một trong những sự lựa chọn được xem là tốt nhất.
Ông Lê Hòa Tân, ở ấp 1, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, đang đi kiểm tra, chăm sóc hơn 20 công tràm của gia đình, trong mắt như ánh lên niềm phấn khởi. Nhìn những cây tràm xanh mướt, ông Tân bộc bạch: “Mấy mươi năm qua, gia đình tôi chỉ trồng dừa nước để chằm lá, rồi chở đi bán nên thu nhập không nhiều. Dần dần, tôi chuyển sang trồng tràm nhưng do thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm dẫn đến sản lượng thấp. Bây giờ, nhờ địa phương hỗ trợ, tôi mạnh dạn chuyển đổi và lứa tràm lớn phát triển tốt, chỉ khoảng 1 năm nữa là cho thu nhập”.
Cây tràm đã thật sự bén rễ trên vùng đất bạc màu Long Mỹ, giúp nhiều hộ dân có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2017 đến nay, địa phương đã thực hiện hỗ trợ khoảng 50% cây giống cho người dân, khi chuyển đổi cây trồng, giúp tiết kiệm một phần chi phí ban đầu. Chị Lê Ngọc Trắng, ở ấp 1, xã Lương Tâm, cho biết: “Với hơn 20 công đất lúa chuyển sang trồng tràm, nếu mà không được địa phương hỗ trợ chắc gia đình tôi cũng chẳng có tiền để mua giống. Trồng tràm khá nhẹ công chăm sóc, tôi còn thả cá đồng vào mương để lấy ngắn nuôi dài, cũng như có thêm thức ăn hàng ngày cho gia đình”. Bên cạnh hỗ trợ cây con giống, địa phương cũng tạo mọi điều kiện tối đa, đặc biệt trong việc hướng dẫn về quy trình kỹ thuật trồng tràm cho người dân từ khâu chọn giống, làm đất, bón phân, chăm sóc…
Có hai loại tràm được bà con ở huyện Long Mỹ chọn trồng là tràm Úc và tràm nước. Tùy theo từng loại sẽ có thời gian thu hoạch và kỹ thuật trồng, chăm sóc khác nhau. Với tràm Úc, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, khoảng 3 năm sẽ cho thu hoạch, tràm nước ước chừng 4 năm. Mỗi công tràm hiện nay được thu mua với giá từ 20-25 triệu đồng, tùy chất lượng và độ xa gần khi vận chuyển, đã mang về nguồn thu nhập khá cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn các xã Lương Tâm, Lương Nghĩa, Xà Phiên, Thuận Hòa, chia sẻ: “Chúng tôi rất sẵn lòng hỗ trợ cho người dân những kiến thức liên quan giúp việc trồng tràm đạt hiệu quả. Đồng thời, nắm danh sách cụ thể từng hộ trồng, số lượng, nên dễ dàng hơn trong việc quản lý”. Hiện huyện cũng đang bước đầu liên kết với các công ty để đảm bảo đầu ra cho cây tràm của người dân. Nhờ đó, người dân cũng nhìn nhận được lợi ích từ việc trồng tràm nên đã sẵn sàng cải tạo diện tích vườn tạp, đất phèn mặn, đất lúa kém hiệu quả. Ông Huỳnh Thế Anh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Hàng năm, chúng tôi gửi văn bản đến các xã, thị trấn, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân nắm bắt nhu cầu cần chuyển đổi cây trồng. Sau khi địa phương lập danh sách, chúng tôi tiến hành xác minh thực tế để xem có phù hợp điều kiện, tạo thuận lợi cho người dân lúc chuyển đổi. Mục tiêu cuối cùng là giúp bà con có hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống từ tràm”.
Lựa chọn chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng là cách cần thiết để người dân phát triển kinh tế và có đời sống khởi sắc hơn. Giờ đây, đất hoang hóa, bạc màu, lung, bàu kém hiệu quả đã được thay thế bởi những thửa tràm xanh mướt, mang theo niềm hy vọng về một sức sống mới trên quê hương Long Mỹ anh hùng.
Từ đầu năm đến nay, có 1,35 triệu cây tràm giống (tràm Úc và tràm nước) từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, được hỗ trợ cho 135 hộ dân ở các xã Lương Tâm, Lương Nghĩa, Xà Phiên, Vĩnh Viễn A và thị trấn Vĩnh Viễn, trồng trên diện tích 67,54ha.
Theo Báo Hậu Giang