Tái đàn heo theo hướng quy mô lớn

05/03/2020 - 09:28

 - Khi thực hiện chăn nuôi heo tập trung theo hình thức gia trại với quy mô từ 500 con đến hơn 2.000 con/hộ, sẽ thuận lợi trong quản lý, dễ kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo điều kiện an toàn sinh học. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thuận tiện liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Trang trại nuôi heo liên kết với C.P Việt Nam

Xây dựng chuỗi liên kết

Năm 2019, trong bối cảnh tác động của bệnh dịch tả heo Châu Phi, ngành chăn nuôi heo bị ảnh hưởng lớn nhưng đối với các hộ nuôi trong chuỗi liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (gọi tắt là C.P Việt Nam, thành viên Tập đoàn C.P Thái Lan) vẫn duy trì khá ổn định. Trên thị trường, những cửa hàng, điểm bán thịt heo an toàn mang thương hiệu C.P vẫn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Đây có thể xem là điểm sáng trong bức tranh của ngành chăn nuôi vốn phần lớn là tự phát, nhỏ lẻ, tự tiêu thụ thông qua thương lái, lò giết mổ.

Ông Lý Trung Trực, Giám đốc khu vực An Giang, Kiên Giang của C.P Việt Nam cho biết, năm 2019, công ty đã thực hiện liên kết sản xuất được 14.000 con heo và 250.000 con gia cầm, xây dựng được chuỗi cửa hàng thịt heo an toàn với 7 điểm bán tại 6 chợ trên địa bàn An Giang; tiêu thụ 250 tấn thịt heo. Với sự ủng hộ của tỉnh, từ năm 2020, công ty dự kiến nâng chuỗi liên kết lên quy mô 35.000 con heo và 500.000 con gia cầm, mở thêm 26 điểm bán thịt heo an toàn, nâng mức tiêu thụ lên 700 tấn thịt/năm. “Bên cạnh quy mô sản xuất 2.000 con/hộ liên kết như hiện nay, C.P Việt Nam sẽ thực hiện liên kết với quy mô từ 500 con/hộ để nhiều hộ có thể tiếp cận tham gia, góp phần cung ứng thêm nguồn thịt heo an toàn trong bối cảnh nhiều hộ còn ngại tái đàn. Các hộ liên kết thực hiện quy trình nuôi tập trung, an toàn theo yêu cầu của C.P. Tất cả các trang trại, gia trại hợp tác đều phải đạt chứng nhận VietGAP. Chúng tôi cần gặp gỡ các hộ nuôi để trao đổi cụ thể về điều kiện, hình thức hợp tác. Mong muốn của C.P là hợp tác lâu dài tại An Giang để từng bước nâng tổng đàn heo liên kết lớn hơn” - ông Trực nhấn mạnh.

Định hướng của C.P Việt Nam được lãnh đạo tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang ủng hộ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho rằng, bệnh dịch tả heo Châu Phi dù gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi heo nhưng là cơ hội để tái cơ cấu lại ngành hàng này. “Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ lâu nay thường gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, khó quản lý và kiểm soát dịch bệnh. Thay vì nuôi nhỏ lẻ, rải rác, ngành chuyên môn và các địa phương có thể lựa chọn quỹ đất, hỗ trợ hộ nuôi chuyển đổi theo hình thức gia trại tập trung với quy mô từ 500-1.000 con/điểm. Các gia trại được gắn hệ thống điện năng lượng mặt trời, hệ thống ủ biogas, liên kết với C.P Việt Nam trong chăn nuôi, tiêu thụ theo tiêu chuẩn an toàn” - ông Thư gợi ý.

Tái đàn an toàn

 Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, dù An Giang đã kiểm soát tốt bệnh dịch tả heo Châu Phi và công bố hết dịch trên toàn tỉnh nhưng do tổng đàn heo giảm, gây thiếu hụt nguồn cung thịt heo lớn. Đây là cơ hội để tái đàn heo, đáp ứng nhu cầu thị trường. Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch “Tái đàn heo trong giai đoạn bệnh dịch tả heo Châu Phi được ngăn chặn” theo hướng thận trọng, hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch bệnh, góp phần ổn định tình hình chăn nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, mục tiêu ngắn hạn của kế hoạch tái đàn là phục hồi 80% số lượng heo đã bị tiêu hủy do bệnh dịch tả heo Châu Phi năm 2019 (tổng số heo tiêu hủy năm 2019 là 28.468 con). Theo đó, tổng đàn heo dự kiến tái đàn đến cuối năm 2020 đạt khoảng 22.774 con. Về con giống, trại Việt Thắng 1 với số lượng 1.500 con nái, cung cấp từ 7.500-9.750 con giống; trại Việt Thắng 2 với 500 con nái, cung cấp từ 2.500-3.250 con giống. Đối với heo nái nuôi trong dân khoảng 5.000 con, cung ứng từ 25.000-32.500 heo giống. Nguồn con giống hiện nay đủ cung cấp cho việc tái đàn. Tỉnh có chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi mua 605 heo cái chất lượng cao với định mức 50% giá trị con giống (không vượt quá 3,2 triệu đồng/con); số lượng hỗ trợ từ 5-40 con/hộ nuôi. Đồng thời, hỗ trợ vaccine tiêm phòng cho đàn heo giống này.

Các hộ có quy mô thường xuyên từ 5 con heo nái hoặc 10 con heo thịt trở lên, có nhu cầu xây dựng công trình khí sinh học hoặc làm đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi, được hỗ trợ đến 50% giá trị xây dựng (không quá 5 triệu đồng/hộ). Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ tập huấn kiến thức về quản lý chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh… nhằm đảm bảo tái đàn an toàn, hiệu quả.

NGÔ CHUẨN