Mô hình chuyển đổi từ đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái tại xã Phú Đức giúp nông dân nâng cao thu nhập
Thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư (Đề án 61) về nâng cao vai trò trách nhiệm Hội Nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam, huyện ủy Tam Nông khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61.
Theo đó, Ban Chỉ đạo Đề án 61 của huyện xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, tham mưu cấp ủy củng cố Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể. Trong đó, Hội Nông dân huyện chủ động phối kết hợp với các ngành liên quan tổ chức, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách và Luật HTX sâu rộng đến từng người dân. Ngành nông nghiệp chủ động phối hợp hỗ trợ, định hướng tổ chức mô hình sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật và hướng dẫn bồi dưỡng kỹ năng tổ chức, quản lý điều hành cho các HTX...
Qua gần 10 năm thực hiện Đề án 61, Hội Nông dân huyện có nhiều cách làm linh hoạt, thiết thực động viên, khuyến khích các hộ nông dân liên kết thành các tổ hợp tác (THT), HTX với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, thiết thực. Cụ thể, đơn vị tổ chức 55 cuộc tham quan học tập các mô hình THT điển hình các địa phương trong tỉnh; mở 572 lớp tập huấn về quy trình thành lập, nội dung hoạt động của THT, HTX; tuyên truyền Nghị định số 151 của Chính phủ, Luật HTX năm 2012. Qua đó, giúp nông dân nâng cao nhận thức và hiểu rõ về vai trò của THT, HTX kiểu mới đối với sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng lãnh đạo rà soát, củng cố các HTX nông nghiệp, phi nông nghiệp, tăng cường công tác vận động góp vốn đầu tư, bổ sung thêm dịch vụ kinh doanh... Qua đó, huyện củng cố được 29 HTX, thành lập mới 2 HTX nông nghiệp; tổng số vốn góp thực tế là gần 52 tỷ đồng, với trên 4.600 hộ tham gia góp vốn. Theo đó, tổng số diện tích sản xuất thành viên giao cho HTX bơm tưới là trên 11.000ha, chiếm trên 42% diện tích canh tác của huyện. Hiện nguồn vốn hoạt động của các HTX là trên 120 tỷ đồng.
Thời gian qua, các HTX trên địa bàn huyện thực hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Cụ thể, tính đến cuối năm 2019, diện tích thực hiện mô hình cánh đồng lớn là gần 48.300ha, đạt 100% kế hoạch (tăng 30.000ha so với năm 2010). Diện tích giảm giá thành sản xuất lúa, áp dụng phương pháp bón phân vùi là gần 1.200ha. Ngoài ra, các HTX còn đẩy mạnh tổ chức liên kết với 15 công ty liên kết, thu mua nông sản. Các công ty này thu mua cho bà con nông dân trên 3.200ha/năm.
Hướng đến sự phát triển bền vững, Hội Nông dân huyện cùng với các HTX tuyên truyền vận động nông dân mạnh dạn áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác giảm giá thành vào sản xuất. Thời gian qua, có hàng trăm km kênh, mương nội đồng được nông dân cùng với HTX đầu tư, nâng cấp, nạo vét đảm bảo tốt cho việc tưới tiêu...
Nông dân trên địa bàn huyện mạnh dạn áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác giảm giá thành
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Đề án 61 còn lãnh đạo, chỉ đạo các ngành phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương như: khô cá lóc Tràm Chim; khô cá lóc Tứ Quý; kiệu và sản phẩm dưa kiệu Phú Hiệp; thanh long ruột đỏ xã Phú Đức,...
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ nhu cầu vốn cho nông dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế, Ban Chỉ đạo Đề án 61 huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp, nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân, địa phương đã phát vay trên 140 tỷ đồng cho trên 5.000 đoàn viên, hội viên nông dân. Đồng thời lãnh đạo các ngành liên quan phối hợp thành lập 5 Hội quán tại các xã: Phú Thọ, Phú Hiệp, Phú Thành A, Phú Thành B và thị trấn Tràm Chim. Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân giao lưu học tập chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ du lịch...
Tuy nhiên, thời gian qua, công tác Hội và phong trào nông dân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc liên kết với các doanh nghiệp còn gặp nhiều trở ngại khi 2 bên chưa tìm được tiếng nói chung. Đa phần các HTX chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để phát triển các dịch vụ; năng lực đội ngũ cán bộ quản lý chưa đủ mạnh; nông dân còn e ngại đóng góp cổ phần vào các HTX...
Nhìn chung, qua những kết quả đạt được góp phần tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Tam Nông, từng bước nâng cao chất lượng nông sản hướng tới thị trường xuất khẩu, giúp nông dân tăng thu nhập.
Theo MN (Báo Đồng Tháp)