Vụ lúa Thu Đông dự báo nhiều thuận lợi nhưng cần đảm bảo xuống giống đúng lịch thời vụ.
Bắt đầu xuống giống lúa Thu Đông
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, vụ lúa Thu Đông năm nay toàn tỉnh dự kiến xuống giống 47.000ha, theo hướng tập trung né rầy, đồng loạt trên từng khu vực, không xuống giống kéo dài so với khung lịch thời vụ chung từ ngày 16/6- 31/8.
Theo đó, lúa Thu Đông được xuống giống trong 3 đợt chính. Đợt 1 xuống giống 7.000ha, từ 16/6- 15/7 (25/4- 25/5 âl), phân bố tập trung ven QL54 thuộc TX Bình Minh, huyện Tam Bình, Trà Ôn và vùng đất gò ven sông Măng thuộc huyện Tam Bình, ven sông Tiền thuộc huyện Mang Thít và Vũng Liêm. Đợt 2 xuống giống 35.000ha, từ 30/7- 14/8 (10- 25/6 âl).
Đây là đợt xuống giống chính phân bố tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Đợt 3 xuống giống 5.000ha, từ 23/8- 31/8 (xung quanh con nước mùng 10/7 âl), xuống giống số diện tích còn lại, phân bố ở vùng trũng, vùng bị nhiễm mặn, vùng không bị ảnh hưởng lũ.
Mặc dù lúa Hè Thu vẫn còn đang trên đồng nhưng Chi bộ ấp Mướp Sát (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) vẫn đưa nội dung kế hoạch sản xuất lúa Thu Đông vào thảo luận tại buổi họp lệ của chi bộ.
Theo đó, khó khăn của vụ lúa Thu Đông được nêu ra là việc khó đảm bảo tuân theo khung thời vụ chung. Bởi thời gian qua, người dân khu vực này xuống giống vào nhiều thời điểm khác nhau do chưa chủ động được nguồn nước.
Ông Đặng Minh Tiến (ấp Mướp Sát- xã Trung Hiệp) cho hay, một số đoạn kinh nội đồng đã bị bồi lấp do người dân tự ý trồng cỏ hoặc bỏ phế phẩm nông nghiệp xuống kinh.
Việc nạo vét chưa kịp thời và đồng bộ nên nơi có nước, nơi thì không, nhất là những hộ ở trong ngọn thì rất bị động.
Chưa kể, việc vận hành các cống thủy lợi chưa thống nhất nên thời gian qua có tình trạng hộ này cho nước vào ruộng gây tràn nước, ngập úng ruộng hộ khác.
Theo ông Dương Văn Lộc- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Mướp Sát (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm), những khó khăn này đòi hỏi cần tổ chức họp dân để bàn bạc đi đến thống nhất.
Nhất là đảng viên trong chi bộ cần gương mẫu đi đầu thực hiện tốt chủ trương chung, đồng thời tiếp tục vận động người dân tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt từng khu vực, được vậy thì việc vận hành hệ thống thủy lợi mới mang lại hiệu quả cao.
Để vụ lúa Thu Đông thắng lợi, Sở Nông nghiệp- PTNT khuyến nghị các địa phương rà soát lại tình hình sản xuất nông nghiệp thực tế trên địa bàn và có kế hoạch tổ chức chỉ đạo sản xuất cụ thể cho từng vùng.
Những vùng sản xuất lúa 3 vụ không hiệu quả phải bố trí lại mùa vụ theo hướng 2 vụ lúa- 1 vụ màu, 2 vụ lúa- 1 vụ cá, 2 vụ màu- 1 vụ lúa và 2 vụ lúa. Đặc biệt, cần quan tâm chỉ đạo tốt việc thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Nhiều thuận lợi nhưng cần tuân thủ các khuyến cáo
Vừa qua tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông, vụ mùa năm 2020 tại Nam Bộ, 2 phương án về kế hoạch sản xuất vụ lúa Thu Đông năm 2020 ở ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp- PTNT tiếp tục đặt mục tiêu gia tăng cả về diện tích lẫn sản lượng.
Theo ông Lê Thanh Tùng- Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT), chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi cho bố trí tăng diện tích sản xuất lúa Thu Đông.
Cụ thể như, mùa mưa năm nay đến muộn và được dự báo kết thúc sớm, lũ được dự báo ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, hệ thống thủy lợi được đầu tư đảm bảo...
Chúng ta cũng đã bố trí xuống giống lúa Đông Xuân và Hè Thu 2020 sớm, thuận lợi cho bố trí vụ lúa Thu Đông, đảm bảo thời gian giãn cách cho vụ Đông Xuân 2020-2021.
Đặc biệt, tình hình tiêu thụ lúa gạo có nhiều triển vọng từ nay đến cuối năm, thậm chí đến đầu năm sau. Do đó, việc lựa chọn phương án tăng diện tích, sản lượng vụ Thu Đông là tối ưu, vừa đảm bảo lợi nhuận tốt, vừa bù đắp được sản lượng thiếu hụt của vụ Đông Xuân vừa qua.
Trên cơ sở nắm bắt cơ hội về đầu ra lúa gạo cũng như những diễn biến có lợi của tình hình mưa, lũ năm nay, Bộ Nông nghiệp- PTNT yêu cầu các địa phương cần tổ chức xuống giống nhanh gọn các diện tích lúa Hè Thu còn lại theo kế hoạch và sớm thu hoạch dứt điểm lúa Hè Thu để đảm bảo thời vụ cho vụ sản xuất Thu Đông và vụ mùa 2020- 2021.
Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mưa, lũ và dịch hại để có biện pháp chủ động ứng phó. Bên cạnh, sử dụng những giống lúa chống chịu với rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo các địa phương phải bám sát đồng ruộng nhằm đảm bảo phòng, chống sâu bệnh và chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết bất lợi.
Đặc biệt, vụ Hè Thu diễn ra trong mùa mưa, thu hoạch càng nhanh gọn càng tốt, không nên để lúa lâu trên đồng ruộng để giảm rủi ro.
Đối với những vùng đã thu hoạch lúa Hè Thu sớm, các địa phương cần nhanh chóng xuống giống vụ Thu Đông, đảm bảo đúng lịch thời vụ, tuân thủ theo các khuyến cáo của ngành chức năng để sản xuất an toàn, hiệu quả.
Theo THÀNH LONG (Báo Vĩnh Long)