Đa Phước là cửa ngõ của huyện đầu nguồn An Phú kết nối với TP. Châu Đốc, có vị trí thuận lợi cả đường thủy và đường sông. Thực hiện nâng chất các tiêu chí góp phần xây dựng xã NTM nâng cao, xã thành lập 12 tổ công tác xây dựng NTM và thường xuyên xuống địa bàn, đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Toàn xã hiện có 3.258/4.723 hộ dân tham gia đóng phí thu gom rác thải, xử lý nước thải, chất thải sinh hoạt. Vận động nhân dân trồng hoa hoàng yến, hoa mười giờ tạo cảnh quan môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”, đồng thời chọn ấp Hà Bao 1 để xây dựng và thực hiện mô hình “Ấp tự quản về bảo vệ môi trường”.
Nạo vét khơi thông kênh, rạch hạn chế ô nhiễm môi trường
Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp đoàn thẩm định tiêu chí NTM của tỉnh thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM đối với các xã: Mỹ Phú Đông (Thoại Sơn), Bình Phước Xuân (Chợ Mới), Hiệp Xương (Phú Tân), Tân Lợi (Tịnh Biên), Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú). Kết quả, cả 5 xã đạt 2/2 chỉ tiêu 17.2 và 17.5 do sở phụ trách, đủ điều kiện xét công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2018.
Theo thống kê, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh toàn tỉnh khoảng 1.148 tấn/ngày, thu gom khoảng 726 tấn/ngày (đạt 63,24%) trên địa bàn 153/156 xã, phường, thị trấn. Trong đó Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị An Giang thu gom, xử lý 690 tấn/ngày (chiếm 95%); các tổ tự quản thu gom của xã, các đội thu gom mô hình ủ phân compost thu gom khoảng 36 tấn/ngày (chiếm 5%). Lượng rác còn lại chủ yếu ở vùng sâu, cù lao… được người dân tự xử lý tại hộ gia đình. Hiện nay, hầu hết rác thải chủ yếu được xử lý bằng cách chôn lấp, nên nguy cơ tác động vào môi trường, nguồn nước là rất lớn. Do đó, chú trọng đầu tư công nghệ thu gom xử lý rác thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường ở các vùng nông thôn là việc làm cấp thiết hiện nay.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở TN&MT đã phối hợp triển khai 118 cuộc kiểm tra đối với 176 tổ chức, cá nhân (cấp huyện 118 cuộc, liên quan đến khoáng sản, đất đai, môi trường, tài nguyên nước). Qua kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 47 trường hợp, với số tiền trên 321 triệu đồng, liên quan lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, khoáng sản... Sở TN&MT đang tiến hành đánh giá ô nhiễm môi trường đất trên địa bàn tỉnh, đánh giá khu vực bị nhiễm POP-BVTV và các chất POP công nghiệp; các vật liệu, chất thải chứa POP-BDE, PFOS, PFOSF, HBB, HBCD, HCBD, PCP. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chương trình “Nghiên cứu phát triển bền vững các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh An Giang trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020”; điều tra và công bố bộ chỉ số môi trường và kiểm tra công tác quản lý chất thải nguy hại đối với các nguồn thải trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở TN&MT Trần Đặng Đức yêu cầu toàn ngành tăng cường rà soát không để phát sinh các cơ sở sản xuất - kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; tăng cường thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và rác bảo vệ thực vật. Tập trung kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra chuyên ngành TN&MT, hậu kiểm sau cấp giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực TN&MT.
Bài, ảnh: HỮU HUYNH