Triều cường gây ngập tại đường 30 tháng 4, ảnh hưởng việc đi lại, sinh hoạt của người dân vào những ngày đầu tháng 9-2023.
Tác động từ BÐKH
Cục BÐKH (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước những tác động bất lợi của BÐKH như hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, giông lốc, triều cường... Thực tế trên đe dọa những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững trong thời gian dài. Tính dễ tổn thương của Việt Nam gia tăng do Việt Nam chịu nhiều rủi ro thiên tai, do vị trí địa lý, mô hình phát triển kinh tế và các vùng đồng bằng, vùng ven biển với mật độ dân cư cao… dễ bị tổn hại. Nhiệt độ tăng, hạn hán và ngập lụt do triều cường ngày càng trầm trọng, mực nước biển dâng và tần suất xuất hiện, cường độ bão tăng đe dọa tới an ninh lương thực, sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam.
Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai quy định quốc tế và tích cực chủ động ứng phó với BÐKH. Qua đó, hàng loạt các chính sách về thích ứng với BÐKH được ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Quốc hội đã thông qua nhiều Luật có liên quan đến thích ứng với BÐKH, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường năm 2022, Luật Trồng trọt năm 2018, Luật Chăn nuôi năm 2018, Luật Ða dạng Sinh học năm 2018, Luật Thủy sản năm 2017, Luật Tài nguyên nước 2012… Ðồng thời, Chính phủ cũng ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết, quy hoạch liên quan đến BÐKH, nổi bật là Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hay Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với BÐKH…
Tại TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, công tác rà soát nội dung công việc và định mức xây dựng dự toán Ðề án xây dựng danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn TP Cần Thơ được tập trung thực hiện. Ngành Tài nguyên và Môi trường cũng trình UBND thành phố cấp trên 20 giấy phép khai thác, sử dụng nước trong lòng đất, 1 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và tổ chức thẩm định hồ sơ đóng cửa mỏ khoáng sản; tham mưu trình UBND thành phố thống nhất chủ trương tham gia hợp tác triển khai Chương trình thành phố xanh năm 2023 trên địa bàn TP Cần Thơ theo đề xuất của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam; thực hiện các nội dung công việc còn lại để tổng kết Dự án “Xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai do BÐKH và tăng cường mạng lưới quan trắc xâm nhập mặn tại TP Cần Thơ” - MKCF do Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tài trợ; triển khai thực hiện dự án hệ thống giám sát hoạt động khai thác cát trên lòng sông Hậu… Qua đó đã từng bước góp phần giảm tác động xấu từ BÐKH, thiên tai.
Tăng cường ứng phó
Gần đây, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cùng một số sở, ngành chức năng tiếp và làm việc với ông Mark Tattersall - Phó Ðại sứ Australia tại Việt Nam. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết trong những năm gần đây, TP Cần Thơ liên tục nhận được hỗ trợ của Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP Hồ Chí Minh qua Chương trình hỗ trợ trực tiếp trên các lĩnh vực nước sạch nông thôn, xây dựng cầu nông thôn, nghiên cứu khoa học tại Australia và ứng phó BÐKH... Những chương trình, dự án này đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp cho thành phố phát triển kinh tế- xã hội, hạn chế bớt khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị, giảm tác động, ảnh hưởng do BÐKH, thiên tai. Ông Mark Tattersall cho biết chuyến thăm này sẽ góp phần củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Australia trong thời gian tới. Ðồng thời khẳng định mối quan hệ hai nước Australia và Việt Nam nói chung, TP Cần Thơ nói riêng sẽ có nhiều gắn bó hơn do có điểm chung là cùng bị ảnh hưởng bởi BÐKH. Thời gian tới Australia sẽ có những chương trình hỗ trợ ÐBSCL, TP Cần Thơ thích ứng với BÐKH, hiện tượng xâm nhập mặn, triều cường gây ngập lụt đô thị...
Tại TP Cần Thơ, hiện nay triều cường bắt đầu dâng cao. Mực nước đo được trên sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9-2023 tương đương 1,88m, gần báo động II (1,9m). Nhiều tuyến đường như Huỳnh Cương, 30 tháng 4, Mậu Thân, Cách mạng Tháng 8, khu vực Hồ Búng Xáng... bị ngập sâu. Mực nước triều đầu tháng 9 (rằm tháng 7 âm lịch) tuy không cao, nhưng nhiều khu vực trũng bị ngập trong những ngày qua có thể do kết hợp với các đợt mưa kéo dài trong đợt nghỉ lễ 2-9, kết hợp với triều cường gây ngập một số tuyến đường. Cảnh báo triều cường có thể kết hợp các đợt mưa lớn làm mực nước trên các sông, rạch tại TP Cần Thơ sẽ dâng cao, gây ngập úng khu vực trũng thấp thời gian tới, người dân cần chủ động có phương án chuẩn bị ứng phó để giảm thiệt hại.
Dự báo, khu vực đầu nguồn sông Cửu Long ít có khả năng xuất hiện lũ sớm. Ðỉnh lũ năm 2023 ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu trên sông Tiền và tại Châu Ðốc trên sông Hậu có khả năng xấp xỉ mức báo động I. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm 2023 vào trong thời kỳ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-2023. Tuy ít có khả năng xuất hiện lũ lớn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu. Tháng 9, 10 và 11 mực nước cao nhất các đợt triều cường sẽ vượt mức báo động III (2m). Mực nước cao nhất năm 2023 có khả năng ở mức 2,15m đến 2,25m (vượt báo động III từ 0,15-0,25m). Trên sông Hậu tại Cần Thơ đỉnh triều cao nhất năm xuất hiện vào tháng 9 và tháng 10-2023. Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) TP Cần Thơ yêu cầu các địa phương cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn trong thời đoạn ngắn, giông mạnh kèm theo lốc xoáy, sấm sét; triều cường kết hợp với mưa lớn gây ngập lụt một số vùng trũng thấp trong các tháng cuối mùa mưa; các địa phương tập trung huy động nguồn lực để tiến hành duy tu, sửa chữa, gia cố đê bao ngăn triều, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu đảm bảo bảo vệ lúa, vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản…
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN, nhấn mạnh: “Với mức lũ năm nay dự báo thấp, nhưng triều cường dự báo ở mức cao hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm, gần bằng đỉnh triều cường năm 2022 là 2,27m. Do đó, các quận trung tâm, các địa phương cần có kế hoạch ứng phó triều cường, hạn chế ngập lụt đô thị, ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh, đi lại của người dân…”.
Theo HÀ VĂN (Báo Cần Thơ)