Tăng diện tích cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long

06/08/2020 - 13:56

Ngày 5-8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết, trong bảy tháng đầu năm nay, gạo là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu ấn tượng nhất, với kim ngạch đạt khoảng 1,9 tỷ USD, tăng 10,9% so cùng kỳ.

Người dân thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành (Long An) chăm sóc cây thanh long mới trồng. Ảnh: THANH TRÚC

Tuy nhiên, về lâu dài trong quy hoạch phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì sẽ giảm sản xuất lúa gạo. Theo đó, đến năm 2030, diện tích canh tác lúa toàn vùng ĐBSCL còn 1,6 triệu ha (giảm khoảng 300.000 ha, để chuyển sang trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản). Diện tích trồng lúa khi đó mỗi năm còn khoảng 3,1 triệu ha (giảm 1 triệu ha do giảm diện tích canh tác và giảm tăng vụ); sản lượng lúa dự kiến giảm còn 17,3 triệu tấn/năm (giảm khoảng 6,3 triệu tấn). Bộ NN và PTNT cũng đã định hướng chuyển dịch mô hình tăng trưởng nông nghiệp ở ĐBSCL, trong đó xác định thủy sản và trái cây đóng vai trò quan trọng để phát triển, tăng thu nhập cho nông dân. Do đó, tới đây  diện tích cây ăn trái  và nuôi trồng thủy sản sẽ tăng khoảng 450.000 ha...

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục tây bắc - đông nam kết hợp với hội tụ gió lên đến 5.000 m nên ngày 6-8 ở các tỉnh  đông bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50 đến 100 mm, có nơi hơn 150 mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên từ nay đến ngày 7-8 ở các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 1, cấp 2.

* Từ 19 giờ ngày 4-8 đến 7 giờ ngày 5-8 ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, một số trạm có lượng mưa lớn như: Thủy điện Tà Thàng (Lào Cai) 103 mm, Gia Phú (Lào Cai) 84 mm, Xín Thầu (Điện Biên) 66 mm, Ba Vì (Hà Nội) 113 mm, Thanh Thủy (Phú Thọ) 79 mm, Hải Hậu (Nam Định) 77 mm, Thủy điện Châu Thắng (Nghệ An) 91 mm.

* Từ đêm 4-8 đến ngày 5-8, tại nhiều nơi ở Lào Cai có  mưa to đến rất to. Tại thị xã Sa Pa, mưa lớn gần 100 mm (trong vòng 6 tiếng) gây sạt lở một số tuyến đường giao thông. Mưa lớn cũng làm hơn 10 điểm nền đường từ tổ 5, phường Fansipan đến ngã ba thôn Cát Cát, xã Hoàng Liên bị hư hỏng và sạt lở ta-luy với khối lượng hàng nghìn mét khối đất, đá. 

* Mưa to mấy ngày qua đã khiến hai kè bị sạt lở, hư hỏng: kè du lịch thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã được địa phương xử lý, khắc phục; kè bảo vệ dân cư tại tổ 9, khu 7, phường Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh bị sạt lở dài 40 m, hiện địa phương đã di dời ba hộ dân đến nơi an toàn. Nhiều tuyến đường giao thông địa phương tại các tỉnh Quảng Ninh, Yên Bái, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Bình bị sạt lở, hư hỏng.  

* Ngày 5-8, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, do mưa to, dông, lốc, tại tuyến đê biển Tây đã xuất hiện nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Theo báo cáo của UBND huyện U Minh, sạt lở đê biển Tây xảy ra tại bốn đoạn với tổng chiều dài là 451 m. Nghiêm trọng hơn là việc đai rừng phòng hộ tại đoạn đê bị sạt số 1 và số 2 còn rất mỏng, chỉ từ 10 đến 20 m; tại đoạn đê bị sạt số 3 và số 4 thậm chí không còn đai rừng phòng hộ. Ngoài ra, đoạn đê biển Tây từ Rạch Dinh đến Lung Ranh có chiều dài khoảng 1.700 m đang rất thấp, có khả năng bị tràn nếu triều cường tiếp tục dâng cao. 

* Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, do ảnh hưởng của mưa to và dông, lốc, toàn tỉnh có 2.333,5 ha lúa bị đổ ngã, ngập úng; trong đó, diện tích lúa hè thu đang ở giai đoạn trổ chín bị đổ ngã là 718 ha, tỷ lệ thiệt hại năng suất từ 5  đến 20%. Thị xã  Long Mỹ là địa phương có diện tích lúa bị đổ ngã lớn nhất với 333 ha. Diện tích lúa thu đông bị ngập úng là 1.615,5 ha, tỷ lệ thiệt hại từ 5 đến 15%, TP Vị Thanh là địa phương có nhiều diện tích lúa ngập úng nhất với 644 ha. Ngoài ra, mưa dông còn làm đổ ngã 96 ha mía và gây ngập úng 4,6 ha rau màu các loại. 

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT tỉnh Trà Vinh) vừa phát hiện ổ dịch cúm gia cầm  tại hộ ông Giang Thanh Nhứt, ở ấp Châu Hưng, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, với tổng đàn 1.040 con gia cầm hai tháng tuổi; trong đó, có 1.000 con gà và 40 con vịt. Theo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VII, đàn gia cầm này dương tính với vi-rút  H5N1. Ngay sau đó, Sở NN và PTNT tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp địa phương tiêu hủy ngay đàn gia cầm mắc bệnh; đồng thời hướng dẫn hộ chăn nuôi thu dọn phân rác, vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại nuôi. Đồng thời thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch, không để lây lan ra diện rộng.

* Ngày 5-8, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp tiền và hàng hóa cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang tổ chức các hoạt động cứu trợ nhằm kịp thời chia sẻ, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 tại tỉnh. Theo đó, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ 189 triệu đồng bao gồm: 60 triệu đồng tiền mặt, 100 thùng hàng gia đình và 50 bộ công cụ sửa nhà.

Theo Nhân Dân