Rơm rạ không còn là phế phẩm như trước đây
Rơm khô hút hàng
Rơm rạ là những phụ phẩm, được thải ra trong quá trình sản xuất nông nghiệp (canh tác lúa). Theo tập quán sản xuất của bà con nông dân, trước đây rơm rạ được bà con đốt ngay tại ruộng, vừa gây ô nhiễm môi trường sống, vừa ảnh hưởng đến hệ sinh thái đồng ruộng, nhất là ở các vùng nông thôn. Hiện nay, rơm được nhiều nông dân thu mua để làm rẫy, trồng nấm, nuôi gia súc, lót trái cây... Rơm khô trở nên có giá và rất hút hàng. Lúa thu hoạch tới đâu, thương lái liên hệ, thu mua tới đó.
Anh Nguyễn Văn Dũng (nông dân xã An Thạnh Trung, Chợ Mới) cho biết, nhu cầu tiêu thụ rơm lớn nên có bao nhiêu được thương lái thu mua hết. Rơm được thương lái thu mua của nông dân tại ruộng với giá từ 40.000-50.000 đồng/công (tùy theo từng vụ). Bình quân mỗi công thu từ 25-30 cuộn rơm (tùy thuộc lúa ướt hay lúa khô). Với giá bán như vậy, nông dân trồng lúa có thêm khoản thu nhập phụ đáng kể, đồng thời hạn chế được tình trạng ô nhiễm không khí do khói đốt đồng từ rơm rạ. Anh Lê Văn Nước (nông dân xã Tân Lập, Tịnh Biên) chia sẻ: “Trước đây, thu hoạch xong vụ lúa, gia đình tôi đốt rơm tại đồng để chuẩn bị cho vụ mùa sau. Những năm gần đây, cứ mỗi dịp thu hoạch là thương lái đến thu mua rơm ngay tại đồng. Số tiền thu được từ việc bán rơm tuy không nhiều, nhưng có thể giúp gia đình tôi xoay sở một phần chi phí thu hoạch hay phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vụ mùa sau”.
Từ một loại phụ phẩm, giờ đây rơm được nhiều người mua như một thứ hàng hóa. Bên cạnh việc tăng thu nhập cho nông dân, nghề thu mua rơm còn góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, tham gia vào các công việc khuân vác, thu gom…
Lúa sau khi thu hoạch, thương lái tiến hành thu mua rơm rạ
Không còn là phế phẩm
Rơm được nhiều hộ nông dân thu mua lại để ủ gốc cây, làm thức ăn cho trâu, bò hay để trồng nấm rơm. Nguồn lợi thu được từ việc sử dụng “phế phẩm” này rất cao nên nhiều lúc rơm bán chạy hơn lúa.
Ông Thạch Viên (một trong những hộ nuôi bò ở xã An Hảo, Tịnh Biên) cho biết, chăn nuôi bò cực nhất là vào mùa mưa do nguồn cỏ tươi khan hiếm. Để có đủ nguồn thức ăn, ông mua thêm rơm khô để dự trữ. Theo ông Viên, rơm có giá trị dinh dưỡng thấp hơn so với cỏ tươi. Tuy nhiên, nếu bà con dùng rơm ủ với phân bón đúng liều lượng, đúng phương pháp thì vẫn có nguồn thức ăn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho bò, nhưng giá rẻ hơn rất nhiều so với các loại thức ăn công nghiệp dùng cho bò đang bán trên thị trường.
Đối với gia đình ông Nguyễn Văn Hai (nông dân xã Bình Thủy, Châu Phú), rơm có giá trị rất lớn trong việc canh tác rau màu. “Dùng rơm, rạ sẽ giúp cho cây rau vừa giữ ấm và ngăn được nước mưa tác động trực tiếp vào cây mầm làm ảnh hưởng đến chất lượng nảy mầm, vừa giúp che mát cho hạt giống nảy mầm, phát triển bình thường trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Lớp rạ cũng giúp đất trở nên tơi xốp, đủ độ ẩm, tránh bị xói mòn hoặc bị nghẹt hạt giống khi gặp mưa to hay nắng gắt, giúp cây rau phát triển tốt” - ông Hai cho biết.
Việc tận dụng rơm để phát triển nghề trồng nấm được coi như hướng đi hiệu quả, góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường, cũng như tăng thu nhập cho bà con nông dân. Trồng nấm rơm chi phí đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn nhanh và tận dụng được các nguồn nguyên liệu (chủ yếu là rơm) tại địa phương, đây còn là hướng đi phù hợp với điều kiện của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, với kỹ thuật trồng đơn giản, thị trường tiêu thụ rộng và ổn định, lợi nhuận mang lại cao là những ưu điểm nổi trội của mô hình trồng nấm rơm đang được nhiều hộ nông dân áp dụng, bước đầu mang lại thành công.
ĐÌNH ĐỨC