Anh chứng minh được với mọi người sự chọn lựa của mình là đúng khi trở thành tác giả trẻ tuổi nhất trong số các tác giả vinh dự được nhận giải thưởng Nguyễn Thông đợt này.
Vì tình yêu dành cho hội họa
28 tuổi là độ tuổi mà nhiều người tìm kiếm sự ổn định nhưng với họa sĩ Hà Phước Duy, đó lại là thời điểm để khởi đầu! Tốt nghiệp đại học ngành sư phạm, đang là giáo viên mỹ thuật tại một trường THCS với cuộc sống ổn định, sau 7 năm đi dạy, anh nhận ra đam mê của mình là được theo con đường họa sĩ chuyên nghiệp. Và để thực hiện đam mê, một lần nữa, anh quyết định làm... sinh viên khi xấp xỉ 30 tuổi.
Quyết định đó vấp phải sự phản đối của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Mọi người sợ tính “bốc đồng” sẽ khiến anh tự “phá nát” tương lai của mình. Họa sĩ Hà Phước Duy kể: “Lúc đó, gia đình rất lo lắng vì tôi từ bỏ hết những gì đang có để bắt đầu lại từ đầu. Nhưng học đến năm thứ hai, tôi bắt đầu ổn định hơn khi có việc làm thêm: Vẽ chân dung, gia sư,...; sang đến năm thứ ba thì bán được tranh. Thấy cuộc sống tôi dần ổn định, gia đình cũng yên tâm phần nào”.
Thật vậy, từ khi chưa tốt nghiệp, Hà Phước Duy đã có nhiều tác phẩm đoạt giải cao trong các triển lãm mỹ thuật danh giá khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và toàn quốc: Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII Đồng bằng sông Cửu Long, Festival Trẻ toàn quốc,... Một phần trong số đó là những sáng tác về quê hương Long An.
“Thế giới riêng” của chàng sinh viên năm 3
Trong số những tác phẩm sáng tác về Long An của họa sĩ Hà Phước Duy có một tác phẩm mang tên Thế giới riêng. Đây cũng chính là tác phẩm giúp họa sĩ vinh dự trở thành tác giả duy nhất trong ngành hội họa được trao giải Nguyễn Thông đợt này. Thêm một điều thú vị nữa là tác phẩm Thế giới riêng được sáng tác khi anh đang là sinh viên năm thứ 3 Đại học Mỹ thuật TP.HCM.
Tác phẩm Thế giới riêng của họa sĩ Hà Phước Duy được sáng tác khi anh đang là sinh viên năm 3 Đại học Mỹ thuật TP.HCM
Bức tranh nói về đề tài giới trẻ và công nghệ, với hình ảnh 3 bạn trẻ ngồi trên những bậc thang của Trung tâm Văn hóa tỉnh, mỗi người chăm chú vào thế giới riêng của mình trong laptop, điện thoại thông minh. Bức tranh nhẹ nhàng nhưng gửi gắm vào đó một thông điệp thế giới công nghệ có sức hấp dẫn mạnh, nó làm cho người ta tìm thấy niềm vui riêng để rồi mỗi người chìm đắm vào trong đó mà quên đi thực tại. Tác phẩm này đoạt giải nhì trong Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 20 tại Bạc Liêu năm 2015 và được nhiều người biết đến. Anh kể: “Tôi ấp ủ ý tưởng cho Thế giới riêng từ rất lâu, khi chính tôi là người trong cuộc, thường xuyên bị bạn bè phàn nàn về việc mình suốt ngày “dán mắt” vào điện thoại. Một lần về quê, đi ngang qua Trung tâm Văn hóa tỉnh, trông thấy các bạn trẻ đang sử dụng điện thoại mà không để ý, quan tâm gì đến nhau, tôi hình thành ngay ý tưởng và bắt tay thực hiện tác phẩm Thế giới riêng. Sau hơn 2 tháng phác thảo và thể hiện thì Thế giới riêng được hoàn thành, là một bức tranh sơn dầu khổ lớn với cách thể hiện nhẹ nhàng và mang thông điệp ý nghĩa.
Họa sĩ Hà Phước Duy gặt hái nhiều thành công sau khoảng 5 năm chính thức “bén duyên” cùng hội họa
Bằng tình yêu, sự quyết tâm và nỗ lực của mình, họa sĩ Hà Phước Duy gặt hái được nhiều thành công chỉ sau khoảng 5 năm chính thức “bén duyên” cùng hội họa. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa Đại học Mỹ thuật với tấm bằng xuất sắc, anh tiếp tục học lên cao học vì muốn có thêm thời gian để học hỏi và rèn luyện tay nghề, tìm hiểu thêm về lĩnh vực mình trót đam mê và theo đuổi.
Những giải thưởng họa sĩ Hà Phước Duy đã đạt trong quá trình hoạt động nghệ thuật đến nay:
+ Giải khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII Đồng bằng sông Cửu Long năm 2011.
+ Giải nhì Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII Đồng bằng sông Cửu Long năm 2015.
+ Giải nhất Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016.
+ Giải nhất Triển lãm Sinh viên thường niên của Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM trong 3 năm liền: 2015, 2016, 2017.
+ Giải đồng hạng Báo cáo Trại sáng tác và Sáng tác mới do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức năm 2016.
+ Giải 3 Triển lãm Festival Trẻ toàn quốc 2017.
+ Giải Tác giả trẻ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2017.
|
Theo PHƯƠNG PHƯƠNG (Báo Long An)