Thành quả từ chuyển đổi sản xuất

06/05/2020 - 10:24

Nhiều nông dân ở thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, đã tìm ra lời giải cho “bài toán” trồng cây gì, nuôi con gì khi chuyển đổi sản xuất bằng nhiều cách tiếp cận mới, chú trọng đến nhu cầu thị trường và liên kết chặt chẽ để cùng phát triển.

Cán bộ kỹ thuật thị trấn thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn người dân chăm sóc vườn cây mới chuyển đổi.

Nuôi ba ba không phải mới ở thị trấn Búng Tàu, bởi từ hơn chục năm trước đã có hộ manh nha khởi nghiệp với loài vật nuôi này. Nhưng mãi đến vài năm gần đây, mô hình này mới được nhiều người quan tâm và dần phát triển mạnh cả quy mô lẫn diện tích. Sở dĩ ba ba là đối tượng chọn nuôi của nhiều hộ dân tại thị trấn, chị Nguyễn Thị Diệu, hộ nuôi ba ba ở ấp Tân Hưng, giải thích: “Ba ba thương phẩm (loại trên 1,5kg) có giá trên 300.000 đồng/kg khi nuôi thời gian dài đến gần 2 năm. Người nào mạnh vốn, có thể đầu tư thời gian dài để tăng khả năng sinh lời. Còn nhiều người chọn cách thả nuôi từ 8-10 tháng, khi ba ba đạt từ 0,5kg thì xuất bán trước một phần với giá khoảng 150.000 đồng/kg. Với cách làm này người dân có vốn tiếp tục duy trì nuôi vỗ béo số ba ba còn lại đạt trọng lượng cao”.

Trước đây vốn trồng mía, nhưng sau khi mạnh dạn thử nghiệm với 1-2 hầm nuôi ba ba, vợ chồng chị Diệu bàn nhau mở rộng diện tích vì thấy hiệu quả. Đến nay, gia đình chị hiện có 10 hầm nuôi nhưng mọi việc đều tự tay làm. Khi chồng bận công việc bên ngoài chỉ mình chị cũng có thể cho ăn và chăm sóc các ao nuôi, cho ba ba sinh sản vì đã nắm kỹ thuật và kinh nghiệm tích lũy trong 10 năm qua. Đầu ra con ba ba khá ổn định ở hầu hết thời gian trong năm, nhất là các tháng mùa nóng càng tiêu thụ mạnh, giá bán cao. Tuy nhiên, năm nay vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hiện ba ba thương phẩm tiêu thụ chậm lại. Ngược lại, ba ba giống đang rất hút hàng, giá bán lại khá cao từ 3.200-3.500 đồng/con mà cung không đủ cầu. Chỉ tính riêng ba ba giống, mỗi năm có thể mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho gia đình anh chị.

Ông Phạm Quốc Ninh, tổ kỹ thuật thị trấn Búng Tàu, thông tin thêm: Trong quá trình vận động chuyển đổi sang các mô hình khác, người dân rất đồng tình ủng hộ. Không chỉ nghĩ tới giá cả mà bà con giờ đây còn tính đường dài về nhu cầu thị trường và đối tác bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch. Điều này là lợi thế lớn của địa phương, bởi các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ nông sản đều có yêu cầu nhất định về quy mô diện tích liền kề, thường phải từ 2ha trở lên. Trong khi tại thị trấn có ấp diện tích mà các hộ dân gộp lại lên tới 6-8ha.

Còn bà Nguyễn Thị Đẹp, ở ấp Tân Thành, vừa trồng 400 cây chanh không hạt trên nền đất mía cũ do vài năm liền không cho hiệu quả kinh tế như mong đợi. Nhờ thực hiện bài bản, đắp mô cao, bấm ngọn, tưới phân đúng thời điểm mà sau vài tháng, vườn chanh đang đâm chồi xanh mướt và có nhánh khỏe. Giữa liếp chanh mới trồng là những mương bông súng đang độ thu hoạch. Bà Đẹp vui vẻ khoe: “Đợt gần đây nhất tôi nhổ 800kg bán được 1,6 triệu đồng. Cứ 5 ngày là bán 1 lần nên tôi nhẹ lo các chi phí khác trong nhà dù đây chỉ là cây trồng “phụ” trong lúc chờ chanh cho trái”. Sắp tới, bà còn định sẽ tỉa thêm đậu bắp trong phần diện tích liếp còn trống giữa cây chanh để lấy ngắn nuôi dài.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Búng Tàu, cho biết: Thực hiện chỉ đạo chung của UBND huyện là chuyển đổi diện tích cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại có hiệu quả cao hơn và phù hợp với tình hình địa phương, từ đầu năm đến nay thị trấn đã chuyển đổi được 33,8ha đất mía kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt. Các hộ trồng mía mới chuyển đổi sang chanh được hỗ trợ 100% cây giống và cán bộ kỹ thuật thường xuyên đến tận vườn tư vấn, hướng dẫn chăm sóc trong suốt những tháng đầu để đảm bảo cây phát triển tốt. Ngoài ra, thị trấn có 45 hộ nuôi ba ba với tổng diện tích nuôi trên 2,5ha. Từ đó, HTX Ba ba Búng Tàu ra đời với 17 thành viên tiếp tục mở ra hướng tiếp cận mới cho người dân, tập trung vào chất lượng, liên kết chặt chẽ từ khâu con giống, thức ăn cho tới đầu ra sản phẩm. Đây chỉ mới là những thành quả bước đầu của quá trình chuyển đổi nhưng là cơ sở để tạo nên một diện mạo mới cho nền sản xuất nông nghiệp của địa phương trong tương lai không xa.

Theo THIÊN NGỌC (Báo Hậu Giang)